Phí đường bộ xe máy: Không nộp, không ai phạt

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị nên bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe máy vì có nhiều bất hợp lý trong việc thu khoản phí này…

Thiếu chế tài

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), kể từ khi thành phố có quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (từ tháng 7/2013), phường đã bắt tay vào triển khai. Tuy nhiên càng triển khai càng thấy khó khăn: “Bởi đơn giản người đóng phí cũng giống như người không đóng hiện chưa có chế tài xử lý”, ông Hải nói.

Phí đường bộ xe máy: Không nộp, không ai phạt - 1

Tổ trưởng khu phố ngõ Chợ Khâm Thiên đang kê khai phí sử dụng đường bộ tại một hộ dân. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Hải, việc thu chủ yếu thông qua vận động, tuyên truyền tính tự giác của các hộ dân. Ban đầu nhiều hộ tự giác đóng tiền, tỷ lệ thu phí cao nhưng càng ngày thì mức thu kém đi. Do không có chế tài xử phạt nên chủ phương tiện cho rằng đây là việc làm mang tính tự nguyện, nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng sao.

Qua khảo sát tại các phường Nam Đồng (quận Đống Đa), Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), Chương Dương, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm)… mức thu phí đường bộ đều giảm từ 20- 30% qua các năm, có nơi giảm đến gần 50%.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Đào cho biết, phường có 1.431 hộ với tổng số xe máy là 1.283 xe. Khi bắt đầu triển khai thu phí năm 2013, phường thu được 774 xe dung tích trên 100 phân khối, thu về hơn 77 triệu đồng. Đến năm 2014, chỉ thu được 456 xe với hơn 45 triệu đồng, giảm gần một nửa so với năm 2013. Năm 2015 dự báo thu về sẽ giảm nhiều hơn năm trước. Tại phường Nam Đồng (quận Đống Đa), năm 2013 thu được hơn 385 triệu đồng, năm 2014 chỉ thu được 271 triệu đồng.

Tại phường Chương Dương, ông Phạm Năng Cương, Bí thư chi bộ địa bàn dân cư Bạch Đằng 5 cho biết, việc thu phí đường bộ trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ bằng 20-30% so với cùng kỳ năm 2014. Ông Cương đề xuất, có thể áp dụng thu vào phí xăng dầu, để người đi nhiều trả nhiều, đi ít trả ít phí.

Số tiền thu liên tục giảm

Trao đổi với Tiền Phong, chiều 22/6, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT (cơ quan được UBND thành phố Hà Nội giao làm đầu mối triển khai thu phí đường bộ xe máy) cho biết, tình hình thu từ đầu năm 2015 đến nay đạt tỷ lệ rất thấp. Nhiều quận huyện chưa có số thu từ đầu năm đến nay báo cáo về Văn phòng thường trực Quỹ bảo trì đường bộ thành phố.

Theo ông Tân, không chỉ 6 tháng đầu năm 2015, mà các năm trước đây, chỉ tiêu thu của thành phố cũng đạt tỷ lệ thấp. Với con số 4.546.000 xe máy trên địa bàn thành phố đã được thống kê đủ điều kiện thu, năm 2013 thành phố dự kiến số tiền thu được hơn 261 tỷ đồng, nhưng cuối cùng con số này là 55 tỷ đồng (chỉ đạt tỷ lệ 21%). Trong năm 2014, con số này cũng rất thấp và một số quận huyện như Cầu Giấy, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín… trong các tháng đầu năm 2014 không có số thu báo cáo.

Ông Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, người dân có nhiều ý kiến không đồng thuận về vấn đề này như phương thức thu phí, quản lý phí cũng phức tạp mà số tiền thu được không được bao nhiêu.

“Quan điểm cá nhân tôi là nên bỏ khoản thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Một bất hợp lý khác đó là giữa người nộp và không nộp khi tham gia giao thông thì không khác gì nhau vì không cơ quan nào kiểm tra, không có ai phạt”, ông Nam nói.

Theo ông Cáp Sỹ Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, bên cạnh chế tài xử lý không có thì lực lượng đi thu chủ yếu dựa vào các tổ dân phố nên gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thu nếu người dân từ chối, tổ trưởng dân phố cũng không có quyền hạn gì để bắt buộc người ta phải thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo nhóm PV Thời Sự (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN