Phí đường bộ: Mai thu, nay vẫn ngơ ngác

Dù từ ngày mai, 1/1/2013, cả nước đã bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính nhưng hầu hết các địa phương đều khẳng định chưa thể tiến hành.

Theo quy định, dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, UBND các tỉnh, TP phải xây dựng đề án về mức thu, cách thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy để trình HĐND cùng cấp phê duyệt.

Đổ việc khó cho tổ dân phố

Sau khi được HĐND duyệt, UBND cấp tỉnh triển khai xuống UBND cấp xã, phường, thị trấn về biện pháp thực hiện. UBND xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ dân phố, khu dân cư, xóm, thôn tiến hành thu như đối với một số loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang làm.

Đối với các xe máy phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì tháng 1/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng; xe máy phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở về sau thì xảy ra 2 trường hợp: Thứ nhất, thời điểm phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe máy, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm; thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7. Thứ hai, đối với xe máy phát sinh từ ngày 1/7 đến 31/12 hằng năm thì chủ phương tiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất là ngày 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Phí đường bộ: Mai thu, nay vẫn ngơ ngác - 1

Nhiều người dân cho rằng việc thu phí phải đi kèm với trách nhiệm nâng cấp đường sá. Ảnh: KỲ NAM

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu và trực tiếp qua đầu phương tiện đều có những khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính và Bộ GTVT quyết định thu qua đầu phương tiện là khó bảo đảm yếu tố công bằng giữa các phương tiện, vùng miền. “Đề án của Bộ GTVT đưa ra cũng chỉ mong muốn thu khoảng 40% phương tiện, còn thu được bao nhiêu là phụ thuộc vào cán bộ thôn, xóm, phường, xã” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, một cán bộ khu dân cư thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ phổ biến, chỉ đạo nào về thu phí bảo trì đường bộ. “Mặc dù chưa triển khai nhưng tôi có thể hình dung việc thu là không hề dễ dàng” - người này nhận định.

Còn phải chờ

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết kỳ họp cuối năm 2012, HĐND TP không đưa ra xem xét kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ vì UBND TP chưa xây dựng xong. Theo lịch, sau Tết Nguyên đán một thời gian, HĐND TP mới tiếp tục họp, khi ấy nếu UBND TP đã chuẩn bị kỹ lưỡng thì vấn đề thu phí bảo trì đường bộ mới được bàn tới.

Sở GTVT TPHCM cũng thừa nhận chưa thể thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013. Hiện nay, địa phương này vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về mức phí và tỉ lệ trích nộp lại. Sau đó, theo sự phân công, cơ quan đăng kiểm sẽ thu phí đối với ô tô; UBND phường, xã sẽ thu phí xe 2 bánh. Theo thông lệ, HĐND TP sẽ có kỳ họp vào giữa năm 2013, khi đó mới bàn đến vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.

Phí đường bộ: Mai thu, nay vẫn ngơ ngác - 2

Cũng như hầu hết các địa phương khác, TPHCM chưa thể thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết bắt đầu từ ngày 1/1/2013, TP này sẽ thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô tại nơi đăng kiểm. Riêng xe 2 bánh, Sở GTVT TP đã giao về các tổ dân phố phụ trách thu khoản phí này. Tuy nhiên, hiện chỉ là phương án để chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND TP vào đầu năm 2013, sau đó mới quyết định thu phí như thế nào. “Nếu trong quá trình thu xảy ra vướng mắc thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý” - ông Dũng nói.

Các địa phương ở ĐBSCL và miền Trung vẫn chưa có động tĩnh gì về kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ. Theo lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa, Bình Định, TP Cần Thơ... không thể thu phí này từ ngày 1/1/2013 vì chính quyền và người dân chưa sẵn sàng. “Chắc chắn tỉnh Cà Mau sẽ chưa thu phí bảo trì đường bộ theo đúng lộ trình bởi đây là việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu và lập phương án khả thi để HĐND tỉnh thông qua” - ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau, nhận định.

CSGT chưa thể xử phạt

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, người dân cần tự giác nộp phí bảo trì đường bộ, nếu không thì có thể bị lực lượng CSGT xử phạt theo Nghị định 71 (ô tô từ 6 - 10 triệu đồng, xe máy 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).

Tuy nhiên, một đại diện Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định bắt buộc người dân phải mang theo giấy tờ là biên lai/giấy đóng phí bảo trì đường bộ nên không thể xử phạt. “Đến giờ, việc thu phí bảo trì đường bộ còn chưa triển khai nên sau ngày 1/1/2013, lực lượng CSGT không thể xử phạt người chưa đóng phí này” - vị này khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo (Theo Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN