Phi công lái Su-22 rơi ở Quảng Nam kể giây phút sinh tử

Sự kiện: Tin nóng

Đại úy Đỗ Tiến Đức, người điều khiển máy bay Su-22 gặp nạn ở Quảng Nam kể lại giây phút xử lý tình huống của đội bay, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của đơn vị, nhà nước và nhân dân.

Chúng tôi đến thăm Đại úy Đỗ Tiến Đức - Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 929, Sư đoàn 372 là phi công lái chiếc máy bay Su-22 vừa gặp nạn, khi anh đang điều trị chấn thương sau nhảy dù tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5.

Anh Đức cho biết, hiện sức khỏe đã bình thường, tâm trạng cũng tốt, mong sớm được về đơn vị tiếp tục công tác.

Đại diện các cơ quan, đơn vị Sư đoàn 372 đến thăm, động viên Đại úy Đỗ Tiến Đức tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5. Ảnh: Lê Hữu.

Đại diện các cơ quan, đơn vị Sư đoàn 372 đến thăm, động viên Đại úy Đỗ Tiến Đức tại Bệnh viện Quân y 17, Quân khu 5. Ảnh: Lê Hữu.

Khi được hỏi về sự cố ngày 9/1 trên máy bay Su-22, Đại úy Đỗ Tiến Đức cho biết: Đây là chuyến bay thứ 2 trong ngày, bay trên máy bay Su-22M4 số hiệu 5880.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Đại úy Đỗ Tiến Đức điều khiển máy bay về sân bay để hạ cánh. Khi đến vị trí chuẩn bị hạ cánh, anh làm động tác thả càng. Sau khi thả càng, làm động tác tăng ga để giữ tốc độ. Tuy nhiên khi nhìn bảng đồng hồ, anh Đức thấy vòng quay động cơ không tăng, chỉ giữ mức 70% (tương đương với chế độ làm việc nhỏ nhất của máy bay), tốc độ còn 500km/giờ, độ cao giảm dần.

Anh Đức thông báo ngay cho chỉ huy bay và tiếp tục làm động tác tăng, giảm ga vài lần nữa, nhưng thấy đồng hồ vòng quay động cơ vẫn giữ nguyên, tốc độ giảm còn 400km/giờ, độ cao còn 500m.

Lúc này phi công xác định động cơ có trục trặc kỹ thuật, không thể khắc phục sự cố trên không.

Anh Đức kể, ở độ cao thấp, anh quan sát thấy khu vực phía dưới cánh bay là nhà cửa, công trình của nhà dân san sát. Tuy nhiên, phía trước bên trái (tức hướng Tây) có khu đất trống khá rộng rãi, có nhiều cây cối. Anh Đức nhanh chóng thu càng để giữ ổn định và báo cáo: “Xin phép đưa máy bay về hướng Tây” và khẽ nghiêng máy bay sang trái.

Chỉ huy bay ra lệnh: “Kiểm tra động cơ, tính toán nếu động cơ không lên, cho phép nhảy dù”.

Lúc này các chỉ số trên bảng đồng hồ tiếp tục tụt nhanh (tốc độ còn 330km/giờ, độ cao chỉ cách mặt đất 350m, còn vòng quay của động cơ vẫn giữ mức 70%). Lệnh của chỉ huy bay “Nhảy dù 24”, tuy nhiên phi công vẫn cố gắng tăng, giảm ga liên tục, thử làm động tác tăng lực và cố gắng lái máy bay về khu đất trống. Khi thấy không còn tác dụng, thời cơ đã hết, Đại úy Đỗ Tiến Đức nhanh chóng dùng 2 tay giật mạnh vòng dù ở dưới ghế phi công…

Anh Đức chia sẻ: “Khi còn cách mặt đất 100m, thấy có nguy cơ rơi vào đường dây điện và mái tôn nhà dân, tôi bình tĩnh lái dù sang hướng khác, khi chân vừa chạm đất thì vòm dù cũng trùm lên ngọn cây dừa bên cạnh.

Sau vài phút, mọi người kéo đến. Tôi nhờ mọi người giúp gỡ dù bị mắc trên cây và bảo vệ hiện trường. Khi máy bay gặp sự cố là lúc đi vào khu vực nhiều nhà cửa, công trình công cộng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm sao đưa máy bay ra xa khu dân cư càng nhanh càng tốt. Khi nghe đồng chí công an thông báo không gây thiệt hại gì cho nhân dân, tôi cảm thấy nhẹ lòng…”

Khu vực máy bay rơi đúng bãi đất trống của khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cách đó không xa là trường tiểu học Phan Ngọc Nhân và nhà trẻ tư thục. Riêng nhà anh Nguyễn Thanh Quốc do máy bay trượt qua bị vỡ một số ngói và sập mái tôn chái bếp, khi đó có 3 người ở trong nhà.

Sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 372, Trung đoàn 929 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương kịp thời đến hiện trường giải quyết vụ việc, tổ chức thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại về tài sản. Đồng thời, đến Bệnh viện Vĩnh Đức thăm hỏi, động viên ông Nguyễn Thanh Hùng là người dân địa phương không may bị thương.

Nguyên nhân ban đầu

Đại tá Đinh Đức Việt - Phó Chính ủy Sư đoàn 372 cùng với chính quyền, đoàn thể phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Thanh Quốc bị ảnh hưởng sau vụ tai nạn. Ảnh: Lê Hữu.

Đại tá Đinh Đức Việt - Phó Chính ủy Sư đoàn 372 cùng với chính quyền, đoàn thể phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Thanh Quốc bị ảnh hưởng sau vụ tai nạn. Ảnh: Lê Hữu.

Thượng tá Lê Tuấn Nghĩa - Trung đoàn trưởng, người trực tiếp chỉ huy bay cho biết: “Khi huấn luyện có thể có xảy ra nhiều tình huống trên không, mặt đất. Chính vì thế, trước mỗi ban bay, các lực lượng, đặc biệt là phi công, chỉ huy bay phải tổ chức luyện tập, hiệp đồng chặt chẽ. Khi có tình huống xảy ra, trước tiên các thành phần phải xử trí đúng theo hướng dẫn của sổ tay phi công, bài bay đã chuẩn bị. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ, ra khẩu lệnh chính xác, kịp thời để giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra…”.

Sau điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu vụ việc được xác định: Do van điều tiết của bơm nhiên liệu bị hỏng, dẫn đến nhiên liệu đến buồng đốt ít, làm lực đẩy động cơ giảm lớn, không đủ điều kiện để đưa máy bay về hạ cánh; phi công buộc phải nhảy dù.

Đại tá Bùi Văn Đài - Chính ủy Trung đoàn 929 là phi công có gần 1.000 giờ bay tích lũy trên trên nhiều loại máy bay và có nhiều kinh nghiệm trong xử trí các tình huống bất trắc. Anh Đài cũng là người chỉ huy cất hạ cánh trong ban bay ngày 9/1 vừa qua.

Đại tá Đài chia sẻ: “Lúc máy bay Su-22M4 số hiệu 5880 gặp sự cố trên không, còn 1 máy bay của biên đội đang chuẩn bị vào hạ cánh. Chúng tôi vừa phải chỉ huy phi công trên máy bay bị sự cố xử trí tình huống, vừa phải bình tĩnh để chỉ huy chiếc số 2 vào hạ cánh bảo đảm an toàn.

Các tình huống bất trắc trên không thường rất ngắn, nếu phi công không bình tĩnh, thành thạo kỹ thuật, chỉ huy bay không đánh giá đúng tình hình, quyết đoán, kịp thời thì thời cơ sẽ qua rất nhanh và không có cơ hội sửa chữa…”.

Hình ảnh máy bay rơi ở Quảng Nam trưa ngày 9/1 với cột khói bốc cao, phi công nhảy dù thoát ra ngoài được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu – N.Thành ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN