Phí chung cư: “Chém đẹp” đến bao giờ?

Cứ tranh cãi như hiện nay, người dân vẫn còn phải chịu cảnh “chém đẹp” phí chung cư dài dài.

Giá trần: Kẻ muốn giữ, người muốn bỏ

Hiện tại, Hà Nội đang áp dụng thực hiện mức trần giá dịch vụ nhà chung cư. Trong đó, mức trần cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, tình trạng vượt trần để thu phí vẫn diễn ra phổ biến. Nhất là những chung cư cao cấp, mức vượt trần lên đến hơn 4 lần cho phép. Ví dụ như chung cư Keangnam (Phạm Hùng, Hà Nội) có mức phí 16.500 đồng/m2, Ciputra Nam Thăng Long 8.000 đồng/m2.

Trong cuộc hội thảo về giá dịch vụ chung vừa được tổ chức bởi Sở Xây dựng Hà Nội ngày 21/1, các doanh nghiệp đồng loạt mong muốn bỏ giá trần. Lý do các doanh nghiệp này đưa ra bởi, giá trần 4.000 đồng/m2 là quá thấp so với chi phí quản lý họ bỏ ra. Nhiều tranh cãi đã nảy sinh bắt nguồn từ việc chủ đầu tư thu phí quản lý vượt trần so với quy định.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các dịch vụ trên thực tế đa dạng với chất lượng, tần suất khác nhau. Do vậy có hiện tượng chủ đầu tư áp dụng mức giá trần dịch vụ để thu của các hộ dân mặc dù chất lượng dịch vụ không tương xứng. Việc xây dựng mức giá trần để áp dụng dẫn đến nhiều bên cố tình hiểu đây là mức cao nhất được thu mà không tính đến yếu tố chất lượng dịch vụ.

Phí chung cư: “Chém đẹp” đến bao giờ? - 1

Cư dân Sky City Towers phản đối phí trông xe

Tuy thất bại trong áp giá trần chung cư nhưng theo khảo sát của PV, nhiều cư dân vẫn ủng hộ giá trần. Bà Thanh Hương, chung cư The Manor (Từ Liêm, Hà Nội) lo ngại nếu bỏ giá trần, người dân sẽ “tha hồ” bị chặt chém. Hiện nay có mức giá trần nên dù sao chủ đầu tư cũng “ngại” tăng giá quá đà. Hơn nữa, có giá trần, người dân còn có chỗ để “bám” vào khi tranh chấp.

Theo bà Nhung Hạnh – Ban quản trị Chung cư The Manor, Tổ trưởng Tổ dân phố The Manor, giá trần đã quy định cụ thể các dịch vụ áp dụng đối với từng loại chung cư. Đó chính là dịch vụ tối thiểu mà chủ đầu tư phải cung cấp. Chủ đầu tư cứ việc cung cấp dịch vụ cơ bản và thu phí trần do nhà nước quy định. Nếu muốn thu cao hơn thì phải chào giá cho các dịch vụ vượt trội. Nếu cư dân có nhu cầu thì mua dịch vụ phụ trội.

Chuyển sang giá khung?

Theo Sở Xây dựng, thành phố Hà Nội vẫn áp dụng mức giá trần dịch vụ chung cư như hiện nay cho đến hết ngày 31/3/2013. Trong bối cảnh giá trần sắp hết hạn, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra phương án tính giá mới.

Tại hội thảo "Quản lý giá dịch vụ nhà chung cư tại TP Hà Nội", Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án xây dựng và ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Trong đó, Sở này nghiêng về phương án công bố khung giá dịch vụ chung cư kèm thông tin tham khảo.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở sẽ công bố định mức của phần việc quản lý và đơn giá kèm theo định mức đó để chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Ví dụ, trong định mức 1 ngày quét nhà 1 lần là 2.000 đồng, nhưng muốn nhà sạch hơn, phải quét 3 lần thì giá tiền sẽ gấp 3 lần.

Tương tự, các dịch vụ khác như lau kính, gửi xe... cũng sẽ có đơn giá của Thành phố kèm theo. Nếu ban quản trị thấy rằng, do thu nhập người dân trong tòa nhà không cao, thì họ tìm ra những đầu việc “cần và đủ” để thống nhất. Hết bao nhiêu tiền, người dân đóng góp vào. Khi có tranh chấp, nhà nước đưa ra đơn giá và dự toán của các phần việc vận hành tòa nhà. Nếu chủ đầu tư thu vượt đơn giá, sẽ bị phạt theo pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: “Chúng tôi mong muốn thực hiện theo cách này, “nó” sẽ giúp những tranh cãi triền miên bấy lâu nay giảm bớt. Tuy nhiên, chúng tôi chưa được Bộ Xây dựng đồng tình”.

Tại cuộc hội thảo về giá dịch vụ chung vừa được tổ chức bởi Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Bộ Xây dựng vẫn giữ quan điểm giữ mức giá trần như hiện nay.

Trao đổi với PV, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nhà nước và chủ đầu tư không nên can thiệp vào việc quản lý chung cư. Bởi theo nguyên lý, tài sản của ai thì người đó quản lý. Cũng giống như chiếc ô tô tiền tỷ, người dân phải tự quản lý, không thể mời ai vào quản lý hộ.

Kinh nghiệm từ nước ngoài của ông Liêm cho thấy, trừ trường hợp chung cư là của chính phủ cho thuê nên chính phủ quản lý hoặc đứng ra thuê công ty quản lý. Còn lại, đa phần các chung cư thương mại là do các hộ dân tự quản lý. Không có chuyện chủ đầu tư hay nhà nước quản lý như ở ta.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Sở Xây dựng Hà Nội không thể “buông” quản lý chung cư. Nhưng nếu giao toàn quyền cho ban quản trị chung cư, vậy số tiền 2% phí bảo trì người mua căn hộ từ chủ đầu tư phải đóng, sẽ giao cho ai cầm? Đây là số tiền lớn, có khi lên đến hàng triệu USD, không thể giao cho một cá nhân. Trong khi đó, ban quản trị lại không có tư cách pháp nhân. Do vậy, nhà nước vẫn phải “ra tay” quản lý.

Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành (TP. HCM) cho biết, hiện tại TP. Hồ Chí Minh không quy định giá dịch vụ nhà chung cư. Nhưng cá nhân ông Đực mong muốn có được một khung giá dịch vụ. Khung giá ày không có tính chất bắt buộc, chỉ có tính chất định hướng. Giá cuối cùng do ban quản trị tòa nhà quyết định. Nếu không có giá định hướng, người dân và doanh nghiệp không biết lấy mốc giá nào để xác định.

Bà Trịnh Thúy Mai, ban quản trị tòa nhà Keangnam lo lắng, nếu nhà nước không thống nhất tìm ra được giải pháp hữu hiệu, người dân vẫn còn phải chịu cảnh “chém đẹp” dài dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN