Phí bảo trì đường bộ: Vẫn loạn cách thu

Đến ngày 1/1/2013, nghị định về việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực, nhiều loại phương tiện giao thông sẽ phải đóng phí theo quy định. Song trước giờ “G”, vẫn còn nhiều bức xúc, băn khoăn về loại phí này.

Còn nhiều vấn đề chưa rõ

Sáng 19/12 tại TP.HCM, đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về thu phí quỹ bảo trì đường bộ, cho các địa phương và các doanh nghiệp từ Đà Nẵng trở vào.

Tại hội nghị, đại diện Vụ Tài chính (Bộ GTVT) và đại diện Bộ Tài chính đã trình bày các quy định về thu quỹ bảo trì đường bộ quy định trong nghị định và thông tư trên. Tuy nhiên nhiều DN vẫn còn băn khoăn, bức xúc về phương thức thu phí cũng như việc thu phí đối với sơ mi rơ moóc...

Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị bãi bỏ phí sơ mi rơ moóc và rơ moóc (không có động cơ, nên không gọi là ô tô). Bởi theo ông Dinh, loại hình vận chuyển này phải có đầu kéo, máy kéo mới vận hành được, do đó không thể xem đây là phương tiện để thu phí.

Về phương thức thu phí, ông Dinh cho rằng, thu theo chu kỳ đăng kiểm của xe không hợp lí. Bởi bản chất của phí và lệ phí chỉ nộp khi sử dụng. Ngoài ra ông cũng đặt vấn đề tại sao không thu phí qua giá xăng dầu mà lại thu trên đầu phương tiện vì đây là phương thức ưu việt, đảm bảo được tính công bằng.

Đại diện Công ty vận tải Công Thành cho biết, công ty có gần 1.000 sơ mi rơ moóc, nhưng chỉ hơn 100 đầu kéo. Trong cùng một thời điểm thì chỉ có một đầu kéo với một sơ mi rơ moóc vận hành trên đường, các sơ mi rơ móc khác đang nằm ở nhà mà cũng chịu phí là rất vô lý.

Phí bảo trì đường bộ: Vẫn loạn cách thu - 1

Xe máy cũng bị thu phí từ 1/1/2013

Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đặt vấn đề về việc đơn vị này có một số lượng lớn phương tiện và sơ mi rơ móc hoạt động trong cảng mà nếu bắt nộp phí đường bộ thì quá bất hợp lý và đề nghị giải thích rõ về việc này.

Song theo giải thích của đại diện Bộ Tài chính, về phương thức thu phí trên đầu phương tiện là hợp lý hơn cả! Còn việc thu phí qua xăng dầu đã từng triển khai nhưng không còn phù hợp vì có nhiều đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không sử dụng đường bộ, nếu thu rồi thì việc hoàn trả lại các đối tượng này là rất phức tạp.

Bên cạnh đó, việc thu phí qua các trạm thu phí cũng không hợp lý bởi hiện cả nước có khoảng 3.920km đường quốc lộ, tính trung bình 70km đặt một trạm thu phí thì phải xây dựng 240 trạm thu phí mới. Còn nếu xây dựng trên tất cả các tuyến đường bộ thì khoảng 4.000 trạm thu phí.

Liên quan đến việc đề nghị không thu phí đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, tỷ lệ rơ moóc, sơ mi rơ moóc lớn hơn đầu kéo là có, nhưng không có chênh lệnh lớn. Không có việc mua rơ moóc về bỏ không cả tháng không hoạt động.

Không lùi thời hạn thu phí

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, cộng đồng DN vận tải nên hoan nghênh Luật giao thông đường bộ 2008 đã có quy định về phí bảo trì đường bộ. Từ đây sẽ có một nguồn quỹ riêng để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng.

Nhưng việc thực hiện quá chậm, phải mất 4 năm sau mới có Nghị định 18 để thu phí, và thời điểm thu phí lại rơi vào thời điểm kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp phản ứng là đúng. Giá như việc thu phí sớm hơn vào năm 2009 hoặc 2010 thì tốt hơn. “Chúng ta không thể đòi hỏi hôm nay nộp phí thì ngày mai có đường tốt hơn được. Bởi thực tế nguồn quỹ này cũng chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu duy tu, sửa chữa đường ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định về việc thu phí bảo trì đường bộ, nhưng đến nay mới triển khai là đã quá chậm. Chính phủ cũng đã lùi thời hạn áp dụng 7 tháng nên đến thời điểm này không thể tiếp tục lùi.

Riêng đối với các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, do nhiều địa phương chưa có quy định về mức thu cụ thể, nên trong thời gian đầu vẫn tiến hành thu phí theo mức giá thấp nhất của Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính.

Do đây là một quy định mới trong thời gian đầu áp dụng, chưa tiến hành xử phạt các trường hợp phương tiện chưa đóng quỹ bảo trì đường bộ. Cũng theo ông Trường, thời gian đầu thực hiện sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động nếu phát sinh điều chưa hợp lý, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp khắc phục ngay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nhật ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN