Phe đối lập Syria "chia năm xẻ bảy"
Các phe phái trong phong trào đối lập ở Syria đã bị chia rẽ thành 2 liên minh đối lập khác nhau, làm tiêu tan ý đồ áp đặt ảnh hưởng của Mỹ.
Ngày 25/9, niềm hy vọng của Mỹ vào việc giành được nhiều ảnh hưởng hơn đối với các phe cánh trong phong trào nổi dậy ở Syria đã tan thành mây khói khi 11 phe vũ trang lớn nhất thẳng thừng tẩy chay liên minh đối lập do phương Tây hậu thuẫn và tự đứng ra thành lập một liên minh mới nhằm thành lập một quốc gia Hồi giáo.
Jabhat al-Nusra, nhóm vũ trang thân al-Qaeda và bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố lại là kẻ khởi xướng liên minh mới này và làm phức tạp hóa nỗ lực của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy “ôn hòa” nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Phong trào đối lập ở Syria đã "chia năm xẻ bảy"
Trong liên minh Hồi giáo mới được thành lập này có lữ đoàn Tawheed, đơn vị Quân đội Syria Tự do lớn nhất ở Aleppo, nhóm nổi dậy Liwa al-Islam lớn nhất ở thủ đô Damascus và nhóm Ahrar al-Sham gồm phần lớn là các phần tử Salafist ở Syria.
Liên minh mới được thành lập với tên gọi tạm thời là “Liên minh Hồi giáo” này quy tụ đến 75% số chiến binh nổi dậy đang chiến đấu chống lại ông Assad.
Tướng Salim Idriss, người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao của phe nổi dậy Syria, đồng thời là người liên lạc giữa Mỹ và phong trào nổi dậy đã phải cắt ngắn chuyến thăm đến Paris và vội vã trở về nước sau khi Liên minh Hồi giáo tuyên bố thành lập vào đêm thứ Ba.
Liên minh mới này tuyên bố họ sẽ không từ bỏ hội đồng của tướng Idriss mà chỉ tách ra khỏi liên minh đối lập của các chính trị gia lưu vong mà họ cho là không đại diện cho họ. Tuy nhiên với việc Liên minh Hồi giáo được thành lập, Hội đồng Quân sự Tối cao của tướng Idriss chỉ còn nắm được một vài đơn vị quân sự nhỏ, khiến Mỹ phải cân nhắc lại việc gia tăng viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy “ôn hòa”.
Chuyên gia phân tích chính trị Charles Lister thuộc tổ chức tư vấn HIS Jane’s nhận định: “Tình hình này có vẻ như là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc nổi dậy chống chính phủ ở Syria. Với diễn biến này, ảnh hưởng của phương Tây đối với phe đối lập ở Syria sẽ giảm đi đáng kể.”
Diễn biến này có vẻ như đã khiến cho các quan chức trong chính quyền Obama bất ngờ. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khi thông báo với các phóng viên về kết quả cuộc gặp Ngoại trưởng John Kerry với Chủ tịch Liên minh Đối lập Syria Ahmad al-Jarba đã không biết gì về tuyên bố thành lập liên minh mới được công bố cách đó vài giờ.
Giáo sư sử học Amr al-Azm thuộc Đại học Shawnee bang Ohio ở Mỹ cho rằng việc ly khai của những phe phái lớn nhất trong liên minh đối lập Syria nhắc nhở mọi người rằng việc thương lượng phải xét đến mong muốn của những thế lực nắm giữ quyền lực trên chiến trường, trong bối cảnh Mỹ và Nga đang nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình ở Geneva giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria.
Ông Azm cho rằng các phe phái đối lập ở Syria không phải đi theo đường lối cực đoan của nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra mà họ đang muốn bày ra lá bài của mình trước các cuộc hội đàm ở Geneva. Họ đang muốn nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng họ phải là một phần trong các cuộc thương lượng hòa bình này.