Phẫu thuật chuyển giới làm giảm 20 năm tuổi thọ?
Chiều 27-11, tại TP.HCM, Trung tâm ICS - Tổ chức của những người người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam đã có buổi chia sẻ về những thắc mắc liên quan đến điều 37 BLDS (sửa đổi) đề cập đến quyền của người chuyển giới. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là phẫu thuật chuyển giới có thực sự làm giảm 20 năm tuổi thọ?
Chỉ phẫu thuật một phần có được công nhận chuyển giới?
Câu hỏi được nhiều người tham gia buổi chia sẻ đặt ra là: “Nếu chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hoóc-môn) thì liệu người đó có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?”.
Luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) trả lời, thực tế theo quy định mới chưa định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận “đã chuyển đổi giới tính” toàn phần hay là một phần. Xu hướng trên thế giới là chỉ cần giấy xác nhận tâm lý và sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Người tham dự chăm chú lắng nghe những chia sẻ của người chuyển giới
Đồng thời, ông cũng đặt ra một loạt vấn đề: “Theo quy định mới, việc xác định lại giới tính đều phải thông qua phẫu thuật. Nhưng phẫu thuật một phần hay toàn bộ mới được công nhận? Chưa có quy định hành vi nào bị cấm chuyển đổi giới tính? Những thủ tục tiến hành, cơ quan nào được phép thực hiện? Trách nhiệm thẩm quyền giải quyết đăng ký hộ tịch cho người chuyển giới…?”.
Nói về vấn đề này, Hải Minh - người chuyển giới từ nữ sang nam chia sẻ, hiện tại cuộc sống của anh tương đối tốt. Anh đã tiến hành phẫu thuật ngực, tuy nhiên hiện tại anh chưa có suy nghĩ sẽ thực hiện phẫu thuật toàn bộ. “Nếu có tiền, tôi sẽ để dành chăm lo cho gia đình mình. Tôi còn có trách nhiệm với cha mẹ, tôi phải lo cho cô ấy-người sẽ nắm tay tôi đi hết chặng đường còn lại cuộc sống đầy đủ nhất. Việc phẫu thuật toàn bộ rất tốn kém, đó là chưa kể những biến chứng có thể xảy ra sau hậu phẫu”.
Trần An Vi, một người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã biết mình là con gái. Tôi thường xuyên mua thuốc ngừa thai uống vì nghe nói nó có thể giúp tôi nữ tính hơn, sau đó từ năm 19 tuổi, tôi bắt đầu tích cóp tiền tiêm hoóc-môn. Hơn một năm nay, tôi mới dành dụm để làm ngực. Với tôi, chuyển đổi giới tính cần được hiểu là tôi mang tâm tính của người con gái là đã đủ chứ không cần đến giải phẫu gì cả”.
Phẫu thuật chuyển giới làm giảm 20 năm tuổi thọ?
Anh Nguyễn Thiện Trí Phong (trợ lý dự án ICS) chia sẻ, thông tin này chưa có căn cứ thực tế. “Phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người chuyển giới, đó là chuyện không thể phủ nhận. Số liệu thống kê tuổi thọ trung bình của những người chuyển giới đã được các chuyên gia tổng hợp, tuổi thọ của những người chuyển giới không quá cao. Tuy nhiên, tuổi thọ của người chuyển giới là do nhiều yếu tố quyết định. Theo số liệu thống kê tổng hợp từ Mỹ, 80% người chuyển giới tuổi thọ thấp là do tự tử, bị xã hội, gia đình kỳ thị, không chấp nhận, bị ám sát chứ không phải chết trên bàn mổ”.
Những người chuyển giới công khai tại TP.HCM chia sẻ những trăn trở của mình trong chiều 27-11
Anh Huỳnh Minh Thảo (phụ trách truyền thông ICS) bổ sung thêm. “Một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ của người chuyển giới đặc biệt là người chuyển giới ở Việt Nam không cao là do điều kiện y tế, thái độ của các bác sĩ, y tá với người chuyển giới. “Trước đây pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển giới nên đa phần trường hợp phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục đều thực hiện ở nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc. Chỉ một số ca đơn giản như cấy hoặc cắt bỏ ngực mới thực hiện trong nước. Hậu phẫu, nếu theo đúng quy trình, những người chuyển giới phải tiếp tục sang nước ngoài để tiếp tục liệu trình nhưng do khoảng cách địa lý và gánh nặng tiền bạc nên hầu hết các bạn sẽ tự làm. Có những trường hợp các bạn bị xuất huyết, khi đến các cơ sở y tế thì không được chấp nhận”.
86,6% người chuyển giới muốn được đổi tên mà không bắt buộc trải qua phẫu thuật Kết quả khảo sát về nhu cầu pháp lý của người chuyển giới do Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện trên 219 người chuyển giới tại Việt Nam vào tháng 8-2014 cho thấy: Có 80,3% người chuyển giới không hài lòng với tên gọi khai sinh của mình và 69,3% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó. Có tới 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên gọi trên giấy tờ và 86,6% nghĩ rằng mình cần được đổi tên mà không bắt buộc phải trải qua phẫu thuật thay đổi giới tính. |