Phạt nguội không cần biên bản nên lường trước những gì?

Sự kiện: Thời sự

Người vi phạm có thể ký, gửi lại xác nhận để CSGT ra quyết định xử phạt rồi từ đó người vi phạm nộp phạt trực tuyến.

Có thể nói, đề xuất của Cục CSGT về việc xử phạt không cần lập biên bản có nhiều ý nghĩa, tạo thuận lợi cho người dân. Nếu được áp dụng, chắc chắn ý thức của người tham gia giao thông cũng sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, để triển khai theo đề xuất của Cục CSGT cần có các cơ sở pháp lý phù hợp, đặc biệt là cần lường trước các tình huống phát sinh trong thực tế có thể xảy ra.

Chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp phạt vi phạm qua Cổng dịch vụ công Quốc gia

Chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp phạt vi phạm qua Cổng dịch vụ công Quốc gia

Trước hết, với các quy hiện hành thì đề xuất phạt nguội không lập biên bản là không phù hợp.

Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Do vậy, muốn triển khai phạt nguội không cần lập biên bản thì đầu tiên phải sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện phải công khai thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để người dân giám sát.

Xét cho cùng, việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản hay không thì vẫn phải cần tính đến sự hiệu quả, dễ thực thi và bảo đảm quyền của người bị xử phạt.

Đơn cử, trong trường hợp không lập biên bản thì người dân vẫn phải được bảo đảm quyền được trình bày, giải trình lỗi vi phạm hoặc chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Vì vậy, để tiến tới xử phạt không cần lập biên bản trước hết phải sửa luật. Còn trước mắt, nếu muốn tiện lợi, để người dân không phải đi lại hàng trăm km lập biên bản và nộp phạt, có thể tận dụng công nghệ thông tin như gửi biên bản vi phạm qua email, tin nhắn điện thoại, facebook, zalo... hoặc gửi chuyển phát nhanh cho người vi phạm.

Người vi phạm có thể ký, gửi lại xác nhận để CSGT ra quyết định xử phạt rồi từ đó người vi phạm nộp phạt trực tuyến.

Còn nếu chỉ cần ghi lại hình ảnh vi phạm mà gửi luôn quyết định xử phạt thì sẽ mang tính áp đặt và chắc chắn không tránh khỏi nhầm lẫn, rắc rối phát sinh.

Chẳng hạn, nếu chuyển hình ảnh vi phạm về địa phương để xử phạt tại nơi người vi phạm cư trú thì cơ chế giám sát ra sao?

Nếu một người dân ở TP.HCM vi phạm giao thông ở địa bàn tỉnh Nghệ An, việc nộp phạt có thể thực hiện trực tuyến.

Nhưng nếu lỗi vi phạm đó bị phạt bổ sung hình thức tước GPLX thì xử lý như thế nào? Rồi nếu người vi phạm không đứng tên chính chủ phương tiện hay hình ảnh chứng minh vi phạm thiếu thuyết phục thì giải quyết ra sao?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát không phải lập biên bản

Cục CSGT (Bộ Công an) đang phối hợp với đơn vị liên quan để sửa đổi quy trình xử lý phạt nguội sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 135.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN