Phạt nặng người đứng đầu phòng khám TQ

"Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam phải phạt nặng người sử dụng những bác sĩ người Trung Quốc nếu biết họ không có tay nghề nhưng vẫn cho khám, chữa bệnh, nếu gây chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự".

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi trao đổi với PV về việc xử lý những sai phạm liên quan đến phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc, đặc biệt là sau việc một bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria (Hà Nội). Ông Tiên nói:

Trước hết, phải xử lý những người Việt Nam đứng đầu phòng khám. Bởi anh đăng ký, xin giấy phép hành nghề, tuyển dụng nhân viên thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ những hoạt động của phòng khám. Còn lỗi thuộc bác sĩ người Trung Quốc chỉ là một phần.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các Sở Y tế, chỉ có số ít phòng khám do người Trung Quốc đứng đầu, nhưng có chỗ họ làm ăn rất nghiêm chỉnh. Còn lại, hầu hết những phòng khám có sai phạm đều do người Việt Nam đứng đầu, họ vì lợi ích kinh tế nên làm liều. Cho nên trách nhiệm đầu tiên phải thuộc người đăng ký với Nhà nước về việc tổ chức phòng khám.

Phạt nặng người đứng đầu phòng khám TQ - 1

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

- Theo ông, trách nhiệm của ngành y tế đến đâu trong việc thẩm định tay nghề để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ người Trung Quốc? Tại sao vẫn để lọt những bác sĩ không đủ trình độ vẫn khám và điều trị?

- Tay nghề thì đã có luật quy định rồi, nếu là người nước ngoài phải có bằng cấp, phải được Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc xác nhận, khi sang Việt Nam phải có giấy phép lao động do Sở LĐ-TB-XH cấp, sau đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì bác sĩ người nước ngoài mới được hành nghề. Nhưng nếu họ có tay nghề giỏi thì họ sẽ không sang Việt Nam vì ở nước họ cũng kiếm được tiền. Còn những người sang đây kiếm tiền thì không phải trình độ giỏi.

- Thậm chí có những trường hợp bác sĩ đang khám cho bệnh nhân, thấy bóng dáng thanh tra y tế thì... bỏ chạy?


- Cái đó rất nhiều, không phải chỉ đối với bác sĩ người Trung Quốc mà cả Việt Nam. Hiện nay, trên mạng cũng đưa ý kiến về một số phòng khám, nhiều người chỉ là y tá, y sĩ, nhưng khoác chiếc áo blouse trắng để đóng vai bác sĩ khám chữa bệnh. Khi thanh tra đến thì họ chạy ra quán uống nước. Theo tôi, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra những phòng khám y tế tư nhân, cũng phải tìm biện pháp nào đó, chứ nếu chờ thanh tra đến, đọc quyết định thanh tra thì mọi dấu vết, bằng chứng sẽ được xóa hết, thậm chí bác sĩ cũng chạy trốn. Có thể đóng giả bệnh nhân thì may ra mới phát hiện được.

Phạt nặng người đứng đầu phòng khám TQ - 2

Phòng khám Maria đã bị đình chỉ hoạt động

- Trước đây, ở TP.HCM và gần đây là Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại những phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc, vậy tại sao không rút giấy phép những phòng khám liên tục tái phạm? Dư luận đặt câu hỏi liệu có sự bao che, vì lợi ích cá nhân hay vì lý do nào khác?

- Muốn rút giấy phép hoạt động của phòng khám, phải làm theo quy định của pháp luật, trường hợp nào được rút chứ không phải họ cứ có sai phạm là rút giấy phép được. Có thể lần đầu cảnh cáo, lần thứ 2 phạt tiền, lần thứ 3 lỗi nặng mới rút giấy phép được.

Còn có sự bao che hay vì lợi ích cá nhân thì phải điều tra mới biết. Chắc chắn phải có nguyên nhân nào đó thì những người đứng đầu phòng khám mới thuê, cho phép những người không có bằng cấp để khám chữa bệnh. Đó mới chỉ là nghi ngờ chứ chưa có bằng chứng.

- Được biết, phòng khám Maria đã từng bị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra và xử phạt vì một số dịch vụ chưa được niêm yết giá, nhưng sau khi bị xử lý, họ vẫn tiếp tục đưa vào khám chữa bệnh cho người dân. Theo ông, trách nhiệm trong quản lý ngành của Thanh tra Bộ Y tế cũng như Sở Y tế đến đâu trong việc này?

- Đúng là họ đã bị Sở Y tế Hà Nội phạt, nhưng chưa phải lỗi lớn nên không thể đóng cửa phòng khám được. Trách nhiệm chính quản lý hành nghề y tế tư nhân là ngành y tế địa phương, họ phải cho người xuống kiểm tra. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là lực lượng thanh tra rất mỏng. Cả phòng Thanh tra của Sở Y tế có vài người nên một năm họ xuống những cơ sở này tối đa 2- 3 lần. Trong khi Hà Nội có mấy ngàn cơ sở y tế tư nhân và số lượng phòng khám y tế tư nhân trên cả nước khoảng 7.000- 8.000, nên không thể đi kiểm tra hết được. Nhưng nói gì thì nói, trách nhiệm chính trong việc này vẫn là Sở Y tế Hà Nội.

- Nhưng lâu nay, việc quy trách nhiệm tập thể khá phổ biến, còn xử lý người đứng đầu lại rất ít, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo pháp luật phải xử lý. Tập thể phải chịu trách nhiệm, phải kiểm điểm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Phải xử lý người đứng đầu, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm chứ.

Nhưng phải nói lại, bác sĩ người Trung Quốc hiện nay sang Việt Nam chủ yếu vì mục đích kiếm tiền. Do vậy, các cơ quan pháp luật của Việt Nam phải tăng cường hơn nữa và cái chính là phạt những người Việt Nam sử dụng những bác sĩ người Trung Quốc, biết họ không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn cho khám, chữa bệnh, nếu gây chết người anh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Đồng (Đất Việt)
Bệnh nhân chết tại phòng khám Maria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN