Phạt không đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi: Xác định tuổi thế nào?
Từ ngày 10.4, cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ đồng loạt ra quân, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đứng ở cổng trường học, nơi các em đang theo học để xử phạt.
Đứng ở cổng trường xử phạt người vi phạm
Trung tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, từ ngày 6.4 đến ngày 10.4, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuần tra, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại khu vực xung quanh các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội. Phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe gắn máy, xe đạp điện sẽ bị nhắc nhở và xử lý.
Đến ngày 10.4, cảnh sát giao thông trên toàn quốc đồng loạt ra quân xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện.
Theo quy định, người chở trẻ trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn: Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào đâu để xác định độ tuổi của trẻ?
Liên quan đến vấn đề này, thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát – Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, bước đầu lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở, xử phạt người chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm tại khu vực cổng trường học.
“Học sinh vào học lớp 1 đã trên 6 tuổi. Do vậy, cảnh sát giao thông sẽ đứng ở cổng trường để căn cứ vào đó xử phạt người điều khiển phương tiện chở theo trẻ em không đội mũ bảo hiểm”, thượng tá Chức nói.
Thượng tá Chức cho biết thêm, trong đợt cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Hướng người dân đến thói quen, đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ mỗi khi đi ra đường.
Phóng viên đặt câu hỏi, trong trường hợp, phụ huynh chở trẻ em đi trên các tuyến phố không đội mũ bảo hiểm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xác định độ tuổi của các em bằng cách nào?
Thượng tá Chức cho hay, hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ tập trung xử phạt người điều khiển chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm tại khu vực trường học, chưa xử phạt ở những tuyến phố. Tuy nhiên, theo thượng tá Chức, đây là cái khó của lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ.
“Hiện nay, có nhiều em nhỏ mới 5 tuổi nhưng nhìn rất cao lớn, giống như đã 6 hoặc 7 tuổi, do vậy lực lượng chức năng cũng khó xác định độ tuổi. Mặt khác, chúng tôi cũng không thể yêu cầu phụ huynh mỗi khi chở các em ra đường phải mang giấy khai sinh đi, vì làm như vậy sẽ gây khó khăn cho họ. Về vấn đề này, chúng tôi đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, không gây khó dễ cho phụ huynh học sinh”, thượng tá Chức nói.
Tuyên truyền khéo để không gây áp lực cho học sinh
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, đại diện lực lượng cảnh sát giao thông TP.Hà Nội cho biết, những học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thông báo tới nhà trường để có biện pháp giáo dục.
Bà Ngô Thị Mai, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) cho hay, ngay khi nhận được văn bản của Sở, trường đã treo các tấm pano tuyên truyền và thông tin trên loa phát thanh tới tất cả học sinh về việc đội mũ bảo hiểm mỗi khi tham gia giao thông.
Trường đã họp với phụ huynh và yêu cầu họ ký cam kết đội mũ bảo hiểm cho các em khi tham gia giao thông. Nhiều học sinh sau khi được tuyên truyền đã nhận thức được lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm nên rất hào hứng.