Phát hiện tấm gỗ nghi từ kệ chở hàng của MH370

Nhiều khả năng tấm gỗ với nhiều dây nhợ này là từ khoang chở hàng của MH370.

Ngày 23/3, nhiều máy bay và tàu cứu hộ của Úc đã được huy động để tìm kiếm nhiều mảnh vỡ và một tấm gỗ trôi dạt trên vùng biển phía nam Ấn Độ Dương nhằm xác định xem đây có phải là mảnh vỡ của máy bay MH370 mất tích hay  không.

Tấm gỗ này đã được một chiếc máy bay cứu hộ phát hiện vào chiều tối hôm thứ Bảy, tuy nhiên họ không có điều kiện tiến sát để xem xét kỹ vì trời sắp tối.

Ông Mike Barton, giám đốc Trung tâm Điều phối Cứu hộ thuộc Cơ quan An toàn Hàng hải Úc cho biết tấm gỗ trên được bao quanh bởi nhiều vật thể khó xác định khác, trong đó có nhiều sợi dây có chiều dài và màu sắc khác nhau.

Phát hiện tấm gỗ nghi từ kệ chở hàng của MH370 - 1

Khu vực phát hiện tấm gỗ cùng nhiều dây nhợ trôi dạt (màu hồng nhỏ)

Ông Barton cho biết một chiếc máy bay P3 Orion của New Zealand đã tới khu vực này tìm kiếm nhưng không phát hiện được tấm gỗ và các vật thể trên, tuy nhiên Úc vẫn quyết định điều máy bay và tàu tới để rà soát lại một lần nữa.

Chuyên gia hàng không Úc Aaron Halstead cho rằng các vật thể trôi dạt trên biển là khá phổ biến, chẳng hạn như mảnh ván tàu hay rác thải do con người xả xuống biển, tuy nhiên chúng thường “không dính kết lại với nhau”.

Một số chuyên gia nhận định tấm gỗ này có thể là một phần trong các thùng đựng hàng mà máy bay MH370 chở theo trong khoang hàng hóa. Các tấm gỗ vẫn thường được dùng để làm kệ đựng hàng hóa trên các chuyến bay, và ông Barton cũng cho rằng đây là một “manh mối tiềm năng”.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng tấm gỗ đó “có thể là bất cứ cái gì” cho đến khi lực lượng cứu hộ tìm được nó để xem xét kỹ càng.

Hiện chiến dịch tìm kiếm MH370 vẫn được tiến hành “một cách có phương pháp” trên vùng biển rộng tới 59.000 km vuông nhằm xác định những vật thể do vệ tinh Úc và Trung Quốc chụp ảnh được hôm 16 và 18/3.

Ông Barton cho biết chiến thuật tìm kiếm đã được thay đổi từ việc dùng radar chuyển sang sử dụng các thiết bị quan sát bằng mắt thường “trong một khu vực cụ thể dựa trên ảnh chụp do vệ tinh cung cấp”.

Phát hiện tấm gỗ nghi từ kệ chở hàng của MH370 - 2

Lực lượng tìm kiếm MH370 đã đổi sang chiến thuật quan sát bằng mắt thường

Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm này lại chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Việc máy bay bay với tốc độ cao và ánh nắng phản chiếu từ mặt biển rất dễ khiến các thành viên đội tìm kiếm bỏ sót những manh mối quan trọng.

Ngoài ra một yếu tố tự nhiên khác cũng ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực tìm kiếm là dòng hải lưu gần Nam Cực. Hiện tại tốc độ chảy của dòng hải lưu này là một hải một giờ, có nghĩa là sau 4 ngày tìm kiếm, những vật thể ban đầu có thể đã trôi dạt qua vị trí cũ tới 100 hải lý.

Ông Barton cũng cho biết tình hình thời tiết tại vùng biển này cũng biến đổi vô cùng nhanh chóng. Ông nói: “Thời tiết có thể từ nắng đẹp rực rỡ chuyển sang bão tố trong chớp mắt, và chỉ vài giờ sau trời lại trong xanh.”

Tổng kết 4 ngày tìm kiếm trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, Thủ tướng Úc Tony Abbott nhận định: “Rõ ràng là chúng ta đã có nhiều manh mối rất đáng tin cậy và niềm hy vọng ngày càng tăng lên, và chúng ta vẫn hy vọng rằng mình đang đi đúng trên con đường tìm hiểu những gì đã xảy ra với MH370.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo News.com) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN