Phát hiện phế tích tháp Chăm 1.000 năm tuổi ở Đà Nẵng
Một quần thể móng tháp Chăm cổ và nhiều hiện vật trên dưới 1.000 năm tuổi vừa được phát hiện sau khi các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật gần một tháng nay tại thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Ngày 5/8, đoàn khảo cổ học đến từ Hà Nội cùng Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn đang khai quật, thu thập thông tin, cứ liệu của một quần thể kiến trúc tháp Chăm cổ được đoàn phát hiện trước đó tại khu đất nhà ông Nguyễn Đợi (54 tuổi, thông Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Theo Nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều (Giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), người tham gia chính vào việc khai quật, nghiên cứu cho biết, diện tích khai quật hiện tại là khoảng hơn 300 m2, đoàn đã phát hiện chắc chắn 3 nền móng tháp Chăm cổ.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi có thấy trong lòng móng tháp được xây bằng gạch nung có hoa văn rất tinh xảo, vì thế có thể kết luận quần thể 3 nền móng tháp Chăm cổ đã được xây vào sau thế kỉ 10. Bởi ngôi tháp xây trước thế kỉ 10 đã đổ nát. Người xưa đã tận dụng gạch, vật liệu của ngôi tháp cũ để xây lên quần thể các ngọn tháp này.” Ông Chiều nói.
Ngoài 3 móng tháp có chiều dài 9m, rộng 8m vừa được phát hiện, đoàn khảo cổ cho biết, nếu có đủ điều kiện để khai quật thì chắc chắn còn phát hiện ra nhiều móng tháp khác ẩn dưới lòng đất.
Bên cạnh 3 móng tháp, đoàn khảo cổ còn phát hiện 2 vết tích móng gạch. Đây là một vết tích và chưa thể xác định được móng tháp hay tường bao.
Khai quật một vết tích móng gạch vừa phát hiện.
Cận cảnh móng gạch tháp Chăm xưa.
Dùng thước đo thu thập số liệu.
Phác họa nền móng tháp lên bản vẽ.
Bệ tam cấp bằng đá đáng chú ý được phát lộ.
Đặc biệt, ở vết tích móng gạch này, đoàn khảo cổ phát lộ một đế bệ thờ lớn, 2 tượng đầu người cầu nguyện và 1 tượng đầu thần Si va.
Đây là đế bệ thờ được phát hiện ở vết tích móng gạch nhỏ. Theo nhà khảo cổ Nguyễn Chiều, người Chăm xưa dùng đế bệ thờ này để đặt tượng lớn phía trên. Hiện bệ thờ làm bằng sa thạch nguyên khối này đã được di chuyển ra gốc cây đa đầu làng Quá Giáng 2 và sẽ được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Ba đầu tượng được phát hiện.
Đây là đầu tượng thần Si va, một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Gạch gói được phát hiện…
…Được điêu khắc hoa văn kì công, tinh xảo.