Phát hiện mới ở chính điện Kính Thiên tại Hoàng thành
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực trung tâm (khu vực chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m 2 . Quá trình khai quật cho thấy các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất.
Sáng 21/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và Kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng Thành Thăng Long. Năm nay, các nhà khảo cổ đào khai quật thăm dò tại ba vị trí: phía Nam nền điện Kính Thiên, nền điện Kính Thiên và phái Tây Bắc nền điện Kính Thiên.
Các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện Kính Thiên. Cho đến hiện nay, tại vị trí các hố khai quật thăm dò đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19-20), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18) và thời Lê sơ (thế kỷ 15-16). Kết quả khai quật năm 2023 cho thấy nhiều di tích mới, gợi những nhận thức mới góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu trung tâm.
Hố phía Đông có kết cấu nổi bật với bốn móng cột thời Lê trung hưng. Theo nghiên cứu của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - dựa trên nền móng đã xuất lộ, có thể xác định kiến trúc giai đoạn này được xây dựng trực tiếp trên nền đất đã tôn đắp thời Lê sơ trước đó.
Khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả vô cùng quan trọng. Đó là địa tầng nền điện dày trên 3 m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất.
Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê sơ gồm có chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.
Khu vực hố phía Tây Bắc của nền điện Kính Thiên có tổng diện tích sau khi điều chỉnh rộng 500 m2. Tại hội thảo đầu bờ, PGS.TS. Tống Trung Tín chỉ ra hiện trạng địa tầng bị phá hủy nghiêm trọng gồm lớp mặt và tầng văn hóa. Tuy nhiên sau khi kết thúc lớp mặt xuất lộ 19 dấu tích từ thời Trần tới thời Lê trung hưng.
Các di vật tiêu biểu diễn giải kiến trúc cung điện trong khu vực trung tâm.
Số lượng di vật thu được không lớn nhưng tương đối đầy đủ về niên đại từ thời Đại La đến thời Nguyễn và đa dạng về loại hình. Nhóm vật liệu kiến trúc thời Lê (thế kỷ 15-18) chiếm số lượng lớn nhất.
PGS.TS Tống Trung Tín đánh giá quá trình khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả quan trọng, đó là địa tầng nền điện dày trên 3 m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất. "Theo đánh giá chủ quan, chúng ta đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng điện Kính Thiên", ông chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Qua thực hiện khai quật khảo cổ học và kết quả nghiên cứu bước đầu tại các hố thăm dò thuộc điện Cần Chánh (khu di sản Hoàng thành Huế), các chuyên gia, nhà nghiên cứu...