Phát hiện lớn khi tìm mộ vua Quang Trung

Các di chỉ mộ hỏa táng, mộ đất, cụm đất vàng, nền móng bằng đá tại gò Dương Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được phát hiện trong lần đầu thăm dò khảo cổ

Ngày 9-1, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) được tiến hành vào tháng 10-2016. Đây là lần thăm dò khảo cổ học đầu tiên nhằm tìm dấu tích triều đại Tây Sơn (1778-1802), lăng mộ vua Quang Trung dựa trên những nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân trong suốt 36 năm.

Ba điểm đáng chú ý

PGS-TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, chủ trì đoàn thăm dò - cho biết đoàn đã mở 5 hố thám sát khảo cổ và thu được nhiều hiện vật cũng như ghi nhận nhiều dấu tích cho thấy có sự sinh hoạt của cư dân thế kỷ thứ XVII.

Trong đó, tại hố thăm dò số 1 (ở chùa Vạn Phước) có diện tích 4 m2, thu được 9 mảnh gốm sứ ngay lớp bề mặt và 13 mảnh lớp thứ nhất. Ở độ sâu dưới 0,2 m, đoàn đã thu được một bát sứ trắng men lam vẽ rồng, đế có 4 chữ Hán “Khang Hy niên chế” niên đại từ 1661-1722 và một mảnh trôn bát hiện đại in hình gà trống cùng 4 chữ “Thiên nhiên từ khí”.

Phát hiện lớn khi tìm mộ vua Quang Trung - 1

Tại hố thăm dò số 5, đoàn nghiên cứu phát hiện được 243 hiện vật sành, gốm và ngói lợp

Tại hố thứ 2 (trước cổng chính vào chùa Vạn Phước, ở vách phía Đông), ở độ sâu 1,15 m xuất hiện một đĩa sứ nằm dưới một viên gạch. Mở rộng hố thêm 0,5 m xuất hiện thêm nhiều hiện vật sành, gốm, gạch, ngói liệt và cả thủy tinh. Tổng cộng tại hố này thu được 419 hiện vật gốm sứ, gạch ngói. Ngoài ra, tại hố thám sát này còn ghi nhận dấu hiệu có thể có các ngôi mộ hỏa táng.

Ở hố số 3 phát hiện mảng cát vàng, dày 5-7 cm, tơi xốp và thu được 1 đồng tiền có chữ “Thành Thái thông bảo - Thập Văn”.

Đặc biệt, tại hố thăm dò số 5 (ở sân nhà 1 người dân), khi đào sâu xuống 19-30 cm thì bắt đầu xuất hiện những viên đá xếp. Xuống độ sâu 61 cm, bộc lộ rõ nhiều lớp đá xếp trực tiếp lên nhau nhưng không thấy có dấu hiệu vôi vữa hay bất kỳ chất kết dính nào. Các viên đá này có hình dáng tự nhiên, không được gia công tạo hình vuông nên kích thước không đồng đều. Nền đá xếp này chiếm gần hết diện tích hố thăm dò, rộng gần 6 m2. Đào sâu xuống 0,7 m và mở rộng hố đào, đoàn thu được 243 hiện vật là sành, gốm và ngói lợp,

Theo nhận định sơ bộ, móng đá xếp ở hố thám sát này có thể còn kéo dài về phía Nam. Từ quy mô bước đầu nhận định rằng lớp đá tại hố này có thể liên quan đến kiến trúc lớn, nhiều khả năng là móng tường, móng thành nhưng ở phần trên đã bị các hoạt động của người dân hiện đại xâm lấn.

PGS-TS Bùi Văn Liêm nhận xét việc thám sát có thể phát hiện 3 cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng và ngôi mộ đất có quan tài là chum sành bị vỡ; phát hiện được cụm cát vàng và lớp đá có thể liên quan đến kiến trúc lớn.

“Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích và tư liệu, bước đầu đoán định di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, vẫn phải chờ phân tích thêm” - PGS-TS Bùi Văn Liêm khẳng định.

Đề nghị mở rộng khảo sát

Tại buổi báo cáo, nhiều nhà khoa học cho rằng cần mở rộng nghiên cứu tại gò Dương Xuân nhưng cũng nên tiến hành thăm dò khảo cổ học ở vị trí khác như khu vực Bàu Vá, phường Phường Đúc, TP Huế. Ở các khu vực trên, trước đó, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra luận chứng chứng minh có liên quan đến cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết quả các hố thám sát đều ghi nhận có sinh hoạt của cư dân từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX là điều rất đáng mừng.

Theo ông Bang, bước nghiên cứu tiếp theo phải xem địa điểm gò Dương Xuân như một “trung tâm thương mại” bởi đã phát hiện nhiều di vật, đồng thời phải tập trung khảo cổ ở hố số 5.

Còn PGS-TS Nguyễn Văn Đăng - Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế - cho rằng báo cáo còn mù mờ, chưa đi sâu vào nghiên cứu niên đại nên đoàn thăm dò khảo cổ học cần đưa ra dự báo, giả thuyết dựa trên các di tích, di chỉ thu nhận được để có hướng nghiên cứu tiếp theo.

Kết luận tại buổi báo cáo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng phát hiện lớn nhất trong suốt 36 năm nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân là tìm ra chùa Thiền Lâm. Đây là ngôi chùa được các chúa Nguyễn cũng như triều đại Tây Sơn sử dụng. Vì vậy, cung điện Đan Dương phải nằm ở gò Dương Xuân.

Theo GS Phan Huy Lê, kết quả thám sát chưa thể nói lên được điều gì bởi đây mới chỉ là thăm dò trên diện tích nhỏ hẹp. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã cho thấy khung niên đại trùng khớp với đối tượng nghiên cứu là thời điểm tồn tại của triều Tây Sơn; cụm cát màu vàng mà kinh nghiệm khảo cổ cho thấy đó có thể có sự tồn tại của nền kiến trúc.

GS Phan Huy Lê đề nghị cần đào sâu xuống lớp sinh thổ để xem móng đá xếp ở hố số 5 dài tới đâu, thực chất là cái gì. Cung điện Đan Dương mà sau này là lăng mộ Quang Trung không nằm ở chùa Thiền Lâm mà phải nằm bên ngoài, nơi có ngọn đồi. Tại gò Dương Xuân thì vị trí chùa Vạn Phước là cao nhất, thoải dần về phía Nam. Theo ông, bước khảo cổ tiếp theo cần đào 2 rảnh, điểm bắt đầu từ chùa Vạn Phước và kéo dài về phía Nam xuống suối Tiên để tìm các di chỉ liên quan đến cung điện Đan Dương.

Cần quy hoạch chi tiết gò Dương Xuân

PGS-TS Bùi Văn Liêm khẳng định các nhận định ban đầu của đoàn đều rất khách quan, trung thực, chính xác và dựa trên khoa học. Ông Liêm khuyến nghị sử dụng phương pháp nghiên cứu theo công nghệ viễn thám, dùng các loại tia laser để khảo sát từ trên cao xuống, thu thập các điểm phản xạ 3 chiều đồng thời nên xây dựng đề án quy hoạch chi tiết gò Dương Xuân để bảo vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN