Phát hiện loài mang lớn, cực kỳ quý hiếm tại VQG Chư Yang Sin

Kết quả khảo sát sơ bộ đã phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), trong đó có loài mang lớn được xếp ở mức độ nguy cơ tuyệt chủng nguy cấp.

Trường Đại học Nông Lâm TP HCM phối hợp với Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) đã nghiên cứu, khảo sát sơ bộ thành phần các loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất, ghi nhận nhiều loài quý hiếm trên địa bàn VQG Chư Yang Sin.

Loài mang lớn cực kỳ quý hiếm được ghi nhận tại VQG Chư Yang Sin

Loài mang lớn cực kỳ quý hiếm được ghi nhận tại VQG Chư Yang Sin

Kết quả nghiên cứu về đa dạng các loài thú kiếm ăn trên mặt đất trong thời gian đặt bẫy ảnh là 47 ngày, với 101 thiết bị bẫy ảnh được đặt theo tuyến có chiều dài khoảng 268m ở gần ngã ba suối Ep Pe. Qua đó, có tối thiểu 17 loài thú hoang dã khác nhau được ghi nhận hình ảnh. Đặc biệt, trong đó có mang lớn - loài thú cực kỳ quý hiếm của Việt Nam được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đánh giá nguy cơ tuyệt chủng là cực kỳ nguy cấp (CR) và nằm trong nhóm IB của Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Theo các nhà khoa học, đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, loài mang lớn mới được ghi nhận trở lại bằng bẫy ảnh ở VQG Chư Yang Sin. Ngoài ra, một số loài thú quý hiếm khác cũng được ghi nhận như khỉ đuôi lợn, sơn dương, nhiều dấu vết của loài lửng lợn - một loài thú khác được liệt kê trong nhóm động vật nguy cấp.

Sơn dương đi kiếm ăn được ghi nhận bằng bẫy ảnh

Sơn dương đi kiếm ăn được ghi nhận bằng bẫy ảnh

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về đa dạng các loài chim ghi nhận được tối thiểu 10 loài chim khác nhau. Trong đó có một số loài quý hiếm như gà tiền mặt đỏ đặc hữu Đông Dương, khướu đầu đen, gà lôi trắng, gà so họng trắng. Trong 10 loài chim được ghi nhận, có đến 4 loài nằm trong nhóm IIB và 2 loài trong nhóm IB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, cho biết dựa trên những ghi nhận được bằng bẫy ảnh, nhóm nghiên cứu nhận thấy tính đa dạng sinh học cao ở VQG này. Mặc dù khảo sát chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ trong thời gian ngắn nhưng nhiều loài chim và thú quý hiếm đã được ghi nhận. 

"Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm vườn đã tổ chức tuần tra truy quét 2.334 đợt, trục xuất 352 đối tượng ra khỏi rừng, gỡ bỏ 1.064 bẫy dây, 183 bẫy kẹp… VQG Chư Yang Sin sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra để bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật quý hiếm" - ông Nghĩa cho biết.

Loài chim sả đất đầu cam

Loài chim sả đất đầu cam

Mang lớn là loài thú móng guốc đặc hữu Đông Dương, được công bố là là loài mới cho khoa học vào năm 1994. Mang lớn được phát hiện lần đầu tại VQG Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Từ đó đến nay, ở Việt Nam, chỉ có một số ít ghi nhận hình ảnh của mang lớn bằng bẫy ảnh. Sự gián đoạn của các ghi nhận mang lớn ở VQG Chư Yang Sin có thể là do thiếu vắng các nỗ lực khảo sát phù hợp hoặc do tác động từ hoạt động săn bắt động vật hoang dã trái phép, hoặc là do kết hợp của cả hai.

"Không có chương trình giám sát quần thể mang lớn hiệu quả ở Chư Yang Sin thì sẽ không thể đưa ra các kết luận chính xác về hiện trạng quần thể để đề xuất các biện pháp bảo tồn loài hữu hiệu. Tuy chỉ có một cá thể được ghi nhận trong khảo sát nhưng cá thể này chưa trưởng thành, cho thấy quần thể mang lớn ở VQG Chư Yang Sin vẫn còn khả năng sinh sản và có nhiều hơn một cá thể ở khu vực khảo sát" - đoàn khảo sát kết luận.

Tiếp tục nghiên cứu về quần thể và sinh thái loài mang lớn

Theo đoàn khảo sát của Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, hình ảnh của một cá thể chồn họng vàng bị tổn thương một chân và đuôi cũng được ghi nhận. Điều đó cho thấy mặc dù nhóm nghiên cứu đã nhận định ngã ba suối Ep Pe có ít dấu vết các hoạt động của con người nhưng quần xã các loài thú ở đây vẫn đang chịu nhiều tác động từ bẫy dây phanh.

Do đó, đoàn đã kiến nghị VQG Chư Yang Sin nên tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát ở khu vực ngã ba suối Ep Pe, đồng thời đề xuất vườn hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo để đánh giá chính xác hiện trạng quần thể và sinh thái của mang lớn. Kết quả của những nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin cần thiết để đề xuất chiến lược bảo tồn loài mang lớn cũng như giám sát đa dạng sinh học tại VQG hiệu quả.

Một số hình ảnh về các loài chim, thú ghi nhận trong VQG Chư Yang Sin

Loài mang đỏ

Loài mang đỏ

Cầy vòi mốc

Cầy vòi mốc

Chồn bạc má

Chồn bạc má

Đồi

Đồi

Gà lôi trắng

Gà lôi trắng

Gà tiền mặt đỏ

Gà tiền mặt đỏ

Khỉ đuôi lợn

Khỉ đuôi lợn

Nguồn: [Link nguồn]

Tạm giữ 2 bố con mang rắn hổ mang chúa “khủng” đi bán

Trên đường vận chuyển hai con rắn hổ mang chúa nặng 6kg đi tiêu thụ, ông Thanh và chị Trang bị lực lượng chức năng tạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN