Phát hiện hóa thạch của 3 loài cá mập cổ đại
Các nhà khoa học vừa khai quật được hóa thạch răng của 3 loài cá mập mới có niên đại cách đây 270 triệu năm ở bang Arizona, Mỹ.
Bang Arizona của Mỹ được coi là khu vực có nhiều loài cá mập sinh sống nhất ở giữa thời kỳ tiền khủng long Permian. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu cổ sinh vật học và địa chất học – Viện bảo tàng Bắc Arizona đã phát hiện thấy hóa thạch răng của 3 loài cá mập tiền sử mới tại khu vực bang Arizona.
Tiến sĩ John-Paul Hodnett, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết 3 loài cá mập mới, lần lượt có tên khoa học là: Nanoskalme natans, Neosaivodus flagstaffensis và Kaibabvenator swiftae được phát hiện sống trên Trái đất cách đây ít nhất 270 triệu năm.
Loài cá mập Nanoskalme natans khá nhỏ với chiều dài cơ thể khoảng 1m. Chúng có răng hình lưỡi cưa và thức ăn của chúng có thể là những loài cá nhỏ. Trong khi đó, loài cá mập Neosaivodus flagstaffensis có chiều dài cơ thể khoảng 2m.
Hóa thạch răng của một loài cá mập tiền sử được phát hiện ở Arizona
Kaibabvenator swiftae có kích thước lớn nhất trong 3 loài cá mập mới được phát hiện với chiều dài cơ thể lên tới 6m. Với hàm răng hình lưỡi cưa chắc khỏe, chúng có tấn những con mồi lớn, bao gồm những loài cá mập có kích thước tương đương với loài cá mập trắng lớn ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu, cả 3 loài cá mập mới được tìm thấy đều thuộc nhóm cá mập tiền sử đã tuyệt chủng ctenacanthiformes – có đặc điểm 2 vây trên lưng và răng to ở giữa và nhỏ dần về hai bên. Đuôi của những loài cá mập thuộc nhóm này có hình đối xứng khác với đuôi của những loài cá mập hiện đại, trong khi, đầu của chúng tương đối ngắn.
Phát hiện mới của tiến sĩ John-Paul Hodnett và các cộng sự một lần nữa cho thấy sự đa dạng của cuộc sống dưới biển trong thời kỳ khoảng 45 triệu năm trước khi loài khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.