Phát hiện hàng ngàn hiện vật tại chính điện Kính Thiên

Sự kiện: Tin nóng

Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy khi tiến hành khai quật khu vực chính điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long.

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2022”.

Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy

Theo đó, khi tiến hành khai quật 990 m2 thuộc khu vực chính điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long, hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy. Trong đó đặc biệt giá trị là mảnh mô hình tháp đất nung thời Trần, đồ dùng sinh hoạt hoàng cung và một số ít thời tiền Thăng Long.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã phản ánh dưới lòng đất khu vực trung tâm còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới. Thêm nữa, mặt bằng thời Lý với sự xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc phía trong đường nước và tường bao tăng độ khó hiểu cho mặt bằng và chức năng của các di tích thời Lý ở đây.

Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy khi khai quật. Ảnh: VIẾT THỊNH

Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy khi khai quật. Ảnh: VIẾT THỊNH

Ở thời Lê sơ và Lê Trung hưng tiếp tục làm phát lộ dấu tích sân Đan Trì đường Ngự Đạo. Đặc biệt, các hố thám sát ở nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía đông của cửa Đoan môn. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, điều này đang được nghiên cứu thêm.

Dấu tích kiến trúc tiếp tục được làm sáng tỏ

Ở lớp văn hóa thời Lý và thời Trần, các dấu tích kiến trúc tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều đông tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng. Ngoài ra còn có dấu tích móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hoa sen, nền lát gạch vuông còn lại khá nguyên vẹn.

Lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn. Ảnh: VIẾT THỊNH

Lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn. Ảnh: VIẾT THỊNH

Theo TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL), những kết quả thu được góp phần củng cố tính hợp lý của việc hoàn trả không gian chính điện Kính Thiên. Trong đó, những công trình kiến trúc hiện đang tồn tại trong không gian này có thể tính đến nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy khác.

Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - GS Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Cần chú ý tới công tác nghiên cứu, khai thác các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giúp nhận diện đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và những giá trị tiềm năng khác của khu di sản”.

Còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã

Ngoài ra cũng khẳng định rằng dưới lòng đất khu vực Trung tâm Cấm thành còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới như: Cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng bắc và hướng nam không?

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân Thanh Hóa phát hiện cổ vật gần đền Lũng Nhai

Trong lúc khai thác cát ven bờ sông Âm qua địa phận thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, người dân phát hiện một hiện vật bằng đồng như vũ khí cổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Thịnh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN