Phát hiện đuôi chiếc Su-22 dưới đáy biển sâu hơn 30m
Phần đuôi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 bị nạn được phát hiện ở độ sâu 32m dưới đáy biển.
19h: Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cố gắng tìm kiếm xung quanh vị trí phát hiện phần đuôi của Su-22, nhưng chưa có thêm thông tin mới.
Cũng theo Thiếu tướng Tuấn, "nhiều khả năng hai chiếc máy bay (tiêm kích bom Su-22 - PV) rơi không xa nhau". Còn theo Bộ đội Biên phòng Phú Quý vừa vào đến đảo, đặc công nước và "các lực lượng chức năng đã tạm dừng tìm kiếm, chỉ còn có thể sử dụng máy móc chuyên dụng để quét, tìm kiếm trong đêm".
18h30: Nguồn tin từ Trung đoàn Phòng không - Không quân 937 cho hay, vị trí phát hiện đuôi máy bay Su-22 có tọa độ 10.36.18 độ Bắc, 108.21.18 độ Đông, cách điểm đặt bia đánh dấu mục tiêu cần ném bom khoảng 1,5 hải lý (gần 3km). Hiện tại, một số lực lượng đã tạm ngừng tìm kiếm do trời tối, nhưng một số khác vẫn đang tiếp tục ngoài biển và sẽ neo lại đó chứ không vào đảo Phú Quý.
18h05: Tàu tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng huyện đảo Phú Quý đã trở về, cập cảng Phú Quý.
17h55: Trao đổi với PV Dân Việt, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xác nhận thông tin, đội tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện ra phần đuôi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 bị nạn ở độ sâu 32m dưới đáy biển. Tuy nhiên "sáng mai mới tiến hành trục vớt", thiếu tướng Tuấn nói.
Thiếu tướng Tuấn cũng cho biết, mặc dù trời đã chập tối nhưng lực lượng chức năng vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm bằng máy dò tìm thay vì quan sát bằng mắt thường.
16h: Nguồn tin từ Bộ đội Biên phòng huyện đảo Phú Quý cho hay, các đặc công nước vừa được lệnh lặn xuống biển tìm kiếm máy bay. Cũng vào thời điểm này, trực thăng chở đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã rời khỏi đảo Phú Quý.
Theo ngư dân sống trên đảo Phú Quý, mực nước ở khu vực đang bị phong tỏa (phía nam Hòn Trứng, Phú Quý) sâu khoảng 20m.
15h45: Thông tin mới nhất từ lực lượng chức năng, một khu vực ở phía nam Hòn Trứng (thuộc huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) đã được phong tỏa sau khi xác định được hai máy bay Su-22 rơi gần nhau tại đây. Tuy nhiên, chưa có thông tin gì về hai phi công.
13h: Trao đổi với PV, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết chưa cập nhật được thêm thông tin tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi, nhưng "trong đây (đảo Phú Quý - PV), Bệnh viện Quân dân y Phú Quý đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị y tế, thuốc men, và bác sĩ cũng luôn sẵn sàng 24/24 để cấp cứu trong trường hợp cần thiết".
12h30: Nhiều tàu, thuyền của Cảnh sát biển, Hải quân vùng 4, biên phòng, ngư dân và cả máy bay của Sư đoàn 370 đang nỗ lực tìm kiếm hai chiếc Su-22 và phi công xung quanh vị trí vừa xác định được vào sáng nay.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, tàu CSB-2009 và máy bay tuần thám CASA212 - mệnh danh "mắt thần Biển Đông" cũng đã được sử dụng cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. CASA212 là máy bay từng tham gia cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
11h05: Theo nguồn tin từ Bộ đội biên phòng đảo Phú Quý, vị trí máy bay rơi đã được xác định cụ thể và giải pháp dùng tàu lặn đã được tính đến. Lực lượng chức năng cũng đã thông báo cho hơn 200 tàu cá đang hoạt động ở khu vực này cùng tìm kiếm, cứu nạn.
10h45: Ngay sau khi tới đảo Phú Quý, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã kiểm tra 3 thùng dầu phát hiện trên biển vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, tất cả đều là thùng rỗng. Trước đó, ông Nguyễn Hùng - nhân chứng trực tiếp nhìn thấy máy bay Su-22 rơi miêu tả "3 thùng dầu này không nhẹ, méo mó".
Theo nguồn tin của Dân Việt, giải pháp tiếp theo để tìm kiếm hai chiếc Su-22 và hai phi công là thuê tàu lặn ra vị trí xác định máy bay rơi. Theo đó, tàu lặn của ông Nguyễn Đức (trú ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý) sẽ tham gia công tác cứu nạn này.
10h: CTV trên đảo Phú Quý cho biết: Có 1 máy bay cứu hộ đậu trên đảo từ hôm qua tới giờ. Vừa rồi có thêm một máy bay quân sự vừa tới, chở theo các thành viên Bộ Quốc phòng, có thể sẽ sớm họp bàn thêm về phương án cứu hộ.
Trả lời PV vào lúc 9h40, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, vẫn chưa tìm được dấu vết gì của hai chiếc Su-22 và 2 phi công.
Hiện đang có ít nhất 4 tàu kiểm ngư, 1 tàu cá, 1 tàu pháo - tên lửa 379 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân và nhiều máy bay đang quần thảo ngoài vùng biển nơi Su-22 rơi. Ngoài ra, thông tin từ Bộ đội biên phòng đảo Phú Quý cho biết, trong bờ đã có nhiều tàu, thuyền đợi lệnh xuất bến khi có yêu cầu.
Thông tin từ Trung đoàn Phòng không Không quân 937, sáng nay (17.4), máy bay của đơn vị này đã tiếp tục xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) ra vị trí hai chiếc Su-22 rơi để tìm kiếm cứu nạn.
Tính tới 9h10, vẫn chưa tìm thấy hai chiếc Su-22 gặp nạn cùng 2 phi công mất tích.
Theo một chiến sĩ thuộc Trung đoàn Phòng không Không quân 937, việc tìm kiếm máy bay rơi trên biển không thể nhanh chóng được. Ngoài ra, vị này cũng đánh giá "nhiều khả năng hai chiếc máy bay (Su-22 - PV) đã tự va chạm với nhau, dẫn tới tai nạn". Song các lực lượng chức năng chưa xác nhận bất kỳ thông tin nào liên quan tới nguyên nhân máy bay rơi.
Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn là tìm hai phi công mất tích, đồng thời sẽ nhanh chóng tiếp cận các vật nổi phát hiện trên biển khi phát hiện ra. Cả máy bay, tàu hải quân và tàu cá của ngư dân đều đang được huy động để tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, khoảng 11h35 ngày 16.4, trong lúc diễn tập, hai chiếc máy bay Su -22 của Sư đoàn Không quân 370 đã gặp sự cố tại khu vực cách tây bắc đảo Phú Quý 7 hải lý.
Trực thăng cứu hộ đã quần thảo quanh khu vực nghi hai chiếc Su-22 rơi nhiều giờ nhưng chưa tìm thấy 2 máy bay gặp nạn cùng hai phi công.
Danh tính hai phi công trên hai máy bay gặp nạn được xác định là Trung tá Lê Văn Nghĩa và Đại úy Nguyễn Anh Tú.
Đến 21h tối 16.4, công tác tìm kiếm 2 chiếc Su-22 và 2 phi công gặp nạn khi đang diễn tập gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã tạm ngừng do trời tối và tầm nhìn hạn chế.