Phát hiện di tích hang động tiền sử ở Bắc Kạn
Các nhà khảo cổ đã phát hiện một số địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc những dãy núi đá vôi ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Thông tin từ Viện Khảo cổ học cho biết Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa phối hợp khảo sát, phát hiện một số địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc những dãy núi đá vôi ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, trong đó nổi bật là di tích hang Thẳm Un.
Qua nghiên cứu toàn bộ lòng hang Thẳm Un, Đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều di vật của người tiền sử. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy dấu tích của người xưa tìm thấy hầu như khắp khu vực hang.
Nhiều hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ được phát hiện tại Vườn Quốc gia Ba Bể. Ảnh: TTXVN
Đoàn đã tiến hành đào thám sát một hố nhỏ 3 m2. Trong hố đào đã phát hiện được 4 bếp lửa ở các vị trí và độ sâu khác nhau, chưa phát hiện được dấu tích mộ táng. Tổng số có hơn 700 di vật được phát hiện, trong đó phát hiện trong hố đào là hơn 600 di vật và số sưu lượm trên nền hang là hơn 100, chủ yếu là công cụ lao động bằng đá.
Tất cả công cụ đá đều được chế tác từ những viên đá cuội sông suối. Loại hình công cụ ở tầng văn hóa sớm mang đặc trưng công cụ văn hóa Bắc Sơn như công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ hình đĩa, cuốc mũi nhọn, hòn ghè, bàn mài, chày nghiền… Đáng chú ý là công cụ mảnh tước có kích thước nhỏ chiếm số lượng khá lớn trong bộ công cụ.
Các nhà khảo cổ cũng đã thu lượm được nhiều mảnh xương răng động vật, vỏ ốc suối và ốc núi cùng một vài hạt quả. Qua phân tích di tích xương động vật, bước đầu xác định có các loài khỉ, nhím, gà rừng, dúi, nai, lợn…
Việc tìm thấy nhiều xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể cùng những dấu tích còn lại cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây. Sự có mặt của nhiều hòn ghè, đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công chế tác công cụ được tiến hành tại chỗ.
Theo PGS-TS Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát, dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu và tuổi trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng hang Thẳm Un là một di tích cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử.
Các nhà khảo cổ khảo sát một trong các hang động nằm ở vùng lõi vườn Quốc gia Ba Bể. Ảnh: TTXVN
Lớp cư dân sớm thuộc vào giai đoạn văn hóa Bắc Sơn muộn có niên đại từ 5.000 năm đến 6.000 năm cách ngày nay. Lớp cư dân muộn thuộc thời kỳ hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí có tuổi trên dưới 4.000 năm cách ngày nay. Đây là một di tích tiền sử hang động rất quan trọng.
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng đã điều tra khảo cổ học vừa diễn ra tại vườn Quốc gia Ba Bể. Tại đây, đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc những dãy núi đá vôi bao quanh hồ.
Nổi bật trong số này là 4 di tích: hang Thẳm Kít, hang Thẳm Mỳa, hang Nả Phoòng và Động Ba Cửa thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đặc điểm chung các di tích hang tiền sử này là phân bố trong vùng lõi của vườn Quốc gia, gần lòng hồ, cửa hang trông xuống hồ Ba Bể.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính...