Phát hiện chiêng “khủng” chứa vàng
Một số người am hiểu về lĩnh vực cồng chiêng Nam Tây Nguyên khẳng định: Chiếc chiếng mà ông Lê Cao Tánh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bất ngờ đào được trong lúc làm móng nhà có chứa vàng.
Theo ông Ngọc Lý Hiển, trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng, cũng là người có nhiều năm nghiên cứu về cồng chiêng ở Nam Tây Nguyên, với những chiếc chiêng lớn, trong quá trình đúc người xưa thường cho thêm kim loại vàng vào chiêng. Tuy nhiên, lượng vàng trong chiêng chiếm tỉ lệ không nhiều.
Ông Hiển cũng cho biết: “Nguyên nhân khi đúc chiêng người xưa thường cho thêm vàng vào là để âm thanh chiêng khi đánh sẽ vang hơn, trong hơn. Còn hiện nay, khi đúc chiêng người ta không cho kim loại vàng vào vì vàng quá đắt”.
Trong chiêng "khủng" mà ông Lê Cao Tánh vừa đào được có vàng
Theo ông Hiển, không riêng gì những chiếc cồng chiêng lớn, mà trong chuông người xưa cũng cho thêm kim loại vàng vào để thanh âm phát ra tốt hơn khi đánh.
Cùng chung nhận định với ông Ngọc Lý Hiển, ông Võ Khắc Dũng - một người có nhiều am hiểu về cồng chiêng - cũng cho rằng chiếc chiêng ông Lê Cao Tánh đào được ngoài chất liệu chính là đồng còn có kim loại vàng, với tỉ lệ rất nhỏ.
Ông Võ Khắc Dũng quan sát chiếc chiêng "khủng"
Chiếc chiêng của ông Lê Cao Tánh vừa phát hiện được có đường kính lên tới 73cm, nặng 13,5kg.
Theo ông Võ Khắc Dũng, chiêng này dài hơn nhiều so với những chiếc chiêng thường thấy trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng từ trước đến nay (phổ biến là đường kính từ 60cm trở xuống, chiêng thường chỉ từ 10kg trở xuống); đây là loại chiêng bằng (gọi là ciang) với hình dáng không khác gì mấy so với các loại chiêng thông thường hiện có trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Nam Tây Nguyên.
Điều đáng lưu ý, mặt ngoài chiếc chiêng này lại có một vệt phẳng (mặt chiêng thường không phẳng) và thẳng đi qua tâm của chiêng giống như chiêng được lắp ghép từ hai mảnh rời nhau. Tuy nhiên, mặt sau của chiêng lại không thể hiện điều này nên có thể đoán định chiêng được đúc thô trong một khuôn tròn và sau đó nghệ nhân gò đập để chỉnh âm.
Một đường thẳng phân đôi mặt chiêng được giới am hiểu về cồng chiêng nhận định là lạ
Ông Võ Khắc Dũng cho biết, vết cắt ngang phân thành hai nửa mặt chiêng nói trên như là một vật trang trí hoặc cũng có thể là lằn ranh để “chia” hai phần chiêng thành hai cao độ khác nhau khi đánh.
“Qua quan sát trực tiếp, chúng tôi nhận thấy: Đây là chiếc chiêng có đường kính khá lớn, ít được tìm thấy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ trước đến nay ở Lâm Đồng. Điều đáng quan tâm nữa là, từ trước đến nay, hiện vật chiêng không mấy khi được tìm thấy trong lòng đất. Nay, với chiếc chiêng được tìm thấy trong lòng đất này của anh Tánh là một hiện tượng đáng lưu ý” - ông Dũng nhận định.