Phát hiện các hình vẽ tiền sử trong hang động ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An
Các nhà khoa học vừa phát hiện được một số hình vẽ cổ - những bích họa thời tiền sử, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Đây là một di tích hang động thuộc thời đại Đá cũ.
Trong đợt phúc tra, khảo cổ học vào đầu năm 2021 (tháng 2/2021) tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đoàn khảo sát, Viện Khảo cổ học đã phát hiện những bích họa thời tiền sử trên vách hang Thẩm Chàng thuộc xã Thuận Châu, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát, hang Thẩm Chàng được Viện Khảo cổ học phát hiện vào năm 2015. Đây là một di tích hang động thuộc thời đại Đá cũ, dựa vào các công cụ đá được tìm thấy trong lòng hang. Đối với những hình vẽ cổ - bích họa thời tiền sử ở hang Thẩm Chàng, thấy được, người tiền sử cư trú trong hang cũng có thể sử dụng mực vẽ giống như cách làm của người tiền sử ở Thái Lan và châu Úc. Về mặt niên đại, căn cứ vào những họa tiết vòng tròn đồng tâm và hình tròn xoáy trôn ốc thường xuất hiện trên đồ gốm thời đại Kim khí, do vậy bước đầu có thể cho rằng, đây là sản phẩm nghệ thuật của cư dân thời đại Kim khí ở Thẩm Chàng, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm.
Đây không phải là lần đầu đầu tiên tại vùng núi hang động miền Tây Nghệ An tìm thấy di tích nghệ thuật trong hang động. Trước đây, vào năm 1940, các nhà khảo cổ học Pháp đã phát hiện được những hình vẽ ở hang Don ở xã Châu Phong, cách thị trấn Quỳ Châu khoảng 15km về phía nam. Đó là những hình vẽ người phụ nữ bằng màu son đỏ.
Thời gian gần đây, tại hang Bò ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn phát hiện những hình chạm khắc hình người trên tấm đá tảng trong hang. Với việc phát hiện những bích họa trong hang động tại Nghệ An, cùng với những sản phẩm của nghệ thuật tạo hình tại hang Đồng Nội (tỉnh Hòa Bình) hay ở hang Thượng Phú (Quảng Bình) hoặc ở hang Khố Mỷ (Hà Giang), có thể cho rằng, cư dân tiền sử Việt Nam thực sự đã có nền nghệ thuật hang động (Cave Art). Việc tìm hiểu nghệ thuật hang động ở Thẩm Chàng mới chỉ là bước đầu, cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về kỹ thuật tạo hình tiền sử này.
Cũng trong đợt điều tra này, các nhà khảo cổ học còn phát hiện thêm 1 di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay gần 10.000 năm. Đó là hang Thẳm Mới (còn gọi là hang Gấu) thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Bộ công cụ lao động bằng đá tìm thấy ở hang Thẳm mới phản ánh những đặc trưng cơ bản của kỹ nghệ Hòa Bình.
Hang Thẩm Chàng khá rộng, có cấu trúc hình ống, lòng hang mở rộng vào bên trong, ít ngách nhỏ. Diện tích lòng hang rộng khoảng hơn 800m2. Toàn bộ những hình vẽ được phát hiện trên các vách hang chỗ khu vực bên ngoài gần cửa hang.
Do cửa hang hình vòm cao 6-7m nên khu vực gần cửa hang nhận được ánh sáng gần như cả ngày. Tại đây trên những vách đá cao khoảng 4-5m so với nền hang, có những hình vẽ vòng tròn đồng tâm hoặc vòng xoáy trôn ốc (hồi văn) trên bề mặt vách hang. Tổng cộng có 6 hình vẽ, họa tiết gồm 4 hình vòng xoáy trôn ốc và 2 hình vòng tròn đồng tâm. Chúng là những họa tiết hình học, không có những họa tiết miêu tả người hoặc động vật.
Các hình vẽ có họa tiết như trên lần đầu tiên tìm thấy trong các hang động tiền sử Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, trong các dãy núi đá vôi ở Thái Lan hay ở châu Úc cũng đã phát hiện được những bức bích họa được vẽ bằng màu trắng, đề tài là những con động vật hoang dã. Để tạo được mực vẽ màu trắng, người xưa đã lấy đá phấn (một loại đá trầm tích mềm, tơi xốp, màu trắng, một dạng của đá vôi tự nhiên chủ yếu chứa 99% ẩn tinh của khoáng vật calcit) giã nhỏ thành bột, hòa với nhựa thực vật hoặc với mỡ động vật. Niên đại của những di tích nghệ thuật hang động này thường được xếp vào hậu kỳ Đá mới và thời Kim khí.
Căn cứ vào những dấu tích còn lại cho thấy, hang Thẩm Chàng là những di chỉ mang tính văn hoá nghệ thuật của cư dân tiền sử thuộc thời đại Đá.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Roòn - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, cho biết sau khi lập biên...
Nguồn: [Link nguồn]