Phạt đội mũ bảo hiểm giả: Quá vô lý!

Quy định từ ngày 15/4, đội mũ bảo hiểm giả hay mũ bảo hiểm không đạt chất lượng sẽ bị phạt khiến người tiêu dùng hoang mang, vì mũ bảo hiểm giả đang bày bán tràn lan trên thị trường và được rất nhiều người sử dụng.

Quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả là một nội dung trong chiến dịch ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn (mũ giả) do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với một số bộ ngành triển khai trong thời gian tới.

Thông tin về quy định xử phạt cơ sở sản xuất và người sử dụng mũ bảo hiểm giả khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Phần đông đều ủng hộ việc "dẹp loạn" mũ bảo hiểm giả bằng cách phạt thật nặng cơ sở sản xuất để không còn nguồn cung, nhưng việc phạt người tiêu dùng lại khiến nhiều người lo ngại. Đa số ý kiến cho rằng: Phạt người đội mũ bảo hiểm giả là quá vô lý.

Độc giả tại địa chỉ buihanh…@facebook.com cho rằng: "Việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả là không khả thi khi trên thị trường đang bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng rất khó để phân biệt thật giả. Việc xác định mũ giả, mũ thật là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, sao lại trao cái quyền đó cho người tiêu dùng? Người tiêu dùng đã không được bảo vệ mà giờ lại phải làm thêm cả nhiệm vụ cho người khác nữa. Cơ quan chức năng dẹp không nổi lại ‘đè’ người dân ra phạt là sao?  Theo tôi, nếu sau ngày 15/4 mà vẫn có tình trạng bán mũ kém chất lượng công khai như hiện nay thì người đầu tiên bị phạt là đội quản lý thị trường. Nếu phạt người tiêu dùng 1 thì phải phạt họ 100 vì không hoàn thành nhiệm vụ".

Bạn đọc tại địa chỉ nguyencuong…@gmail.com cũng cho rằng để mũ bảo hiểm giả tràn lan trên thị trường là lỗi của Cục quản lý thị trường: "Việc mũ giả, mũ kém chất lượng bán ra trên thị trường là do các cơ quan chức năng không quản lý được. Nếu như mũ kém chất lượng vẫn bán công khai như hiện nay thì làm sao mà phạt người tiêu dùng được chứ, vì họ bán - mua công khai chứ có mua chui đâu mà phạt người tiêu dùng".

“Ngay từ đầu không chống hàng giả đi để giờ lôi nhau ra phạt thế có vô lý không? Dân mình còn nghèo nên cứ rẻ thì mua. Mà đắt giờ có khi vẫn còn giả”, độc giả tại địa chỉ vuminh…@gmal.com bức xúc.

Còn bạn đọc Lê Cường tại địa chỉ phuongxa…@yahoo.com cho rằng, biện pháp triệt để để ngăn chặn mũ bảo hiểm giả tràn lan là bắt hết cơ sở sản xuất mũ giả. Bắt luôn các điểm bán mũ giả đi thì người dân lấy đâu ra mũ giả mà đội. Người dân bây giờ không biết làm sao để tránh hàng giả khi mà hàng hoá trên thị trường tràn ngập hàng giả.

Cùng quan điểm với bạn Lê Cường, độc giả tại địa chỉ lehoangduc… @yahoo.com cho rằng: Quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả là không hợp lý, chỉ gây thêm thiệt hại và hoang mang cho người dân mà thôi. Độc giả này còn đưa ra một số biện pháp khắc phục tình trạng mũ bảo hiểm giả tràn lan là: "Trước hết ngành chức năng cần thống kê lại những nơi sản xuất và bán mũ bảo hiểm, chỉ cấp phép cho nơi nào cam kết sản xuất và bán mũ bảo hiểm chất lượng; Thứ hai: Những nơi bán phải có giấy kiểm định hay tem (có ghi rõ nơi bán và nơi sản xuất) và phải cung cấp cho người mua. Cuối cùng là: Nếu phát hiện mũ bảo hiểm giả, giấy kiểm định hay tem giả thì chỉ cần phạt nơi sản xuất hay cụ thể là ngay nơi bán mũ đó mà thôi. Chỉ khi nào những điều trên thực hiện tốt thì sau này mới nên quy định phạt người sử dụng".

Phạt đội mũ bảo hiểm giả: Quá vô lý! - 1

Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng được bày bán công khai

Trên các diễn đàn mạng, quy định về xử phạt người đội mũ bảo hiểm được mọi người bàn tán xôn xao, thậm chí có người còn hỏi vui rằng: "Vậy những người sử dụng các mặt hàng giả khác có bị xử phạt không? Ví dụ như: ăn trứng gà giả, uống phải sữa giả, thuốc giả, dùng răng giả?"...

Độc giả Nguyễn Duy Giáp (duygiap…@gmail.com) cho rằng: "Đáng lẽ việc xử phạt đối với việc đội mũ bảo hiểm giả phải làm cùng với khi áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, mặc dù bây giờ thực hiên thì chưa muộn nhưng vô tình tạo cho người dân thói quen là chỉ cần có mũ bảo hiểm khi ra đường, nên phải có thời gian thích ứng. Hơn nữa đối với số mũ kém chất lượng bây giờ làm sao, có lẽ sẽ tiêu hủy hoặc tái chế chăng, vậy có phải đã mất thêm một khoản kinh phí cho việc vô ích không. Tại sao không lường trước những điều như vậy. Đó đâu phải là điều khó nhận ra".

"Đừng bắt người dân phải chịu phạt do nhà nước quản lý không nghiêm. Tôi đề nghị phạt các cơ quan chức năng đã để cho hàng giả bán tràn lan trên thị trường. Như vậy mới đúng", độc giả Phan Hà (phanha3004@yahoo.com) thẳng thắn bày tỏ.

Một số độc giả lại cho rằng, để dẹp mũ bảo hiểm giả một cách triệt để thì ý thức của người dân mới là nhân tố quan trọng nhất: “Mọi người cứ bảo dẹp hết cơ sở sản xuất đi. Vậy người sử dụng không mua hàng giả thì liệu cơ sở có sản xuất nữa không khi không bán được sản phẩm. Do ý thức của người sử dụng là chính, hãy thay đổi mình đi, không mua mũ giả kém chất lượng đi thì cơ quan nào phạt mình”, độc giả tại địa chỉ superstars…@gmail.com nói.

Bạn đọc tên Tuấn (tuangold…@gmail.com) cũng cho rằng, ngoài việc khuyến cáo người dân, còn phải hướng dẫn cụ thể cách nhận diện mũ giả, có bao nhiêu loại mũ giả? Đồng thời kiểm tra xử lí các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ giả, nếu thị trường không còn mũ giả thì dân lấy đâu để đội.

Độc giả tại địa chỉ thanh2009…@gmail.com nêu ra tình huống: Nếu tôi bị CSGT chặn lại nói: Mũ anh là giả? Vậy cho dù mũ tôi là thật đi chăng nữa lấy gì chứng minh mũ tôi là thật (tem thì theo thời gian ko thể còn, không lẽ truy tìm hoá đơn mua hàng hay các giấy tờ khác liên quan đến cái mũ,… để cung cấp cho CSGT). Và nếu CSGT nhất định cho rằng mũ của tôi là giả thì các anh lấy gì, làm thế nào để chứng minh đây? Quy định đưa ra phải rõ ràng, cụ thể, chứ không thể chung chung như vậy được.

70% người đi xe dùng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng

Chiều 27/2, trong buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%. Tuy nhiên, trong đó có tới 70% là mũ giả, kém chất lượng và 30% là đội mũ đạt chất lượng. Những con số thống kê này đã phản ánh đúng tình trạng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đang tràn lan trên thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Anh - TH ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN