Phạt đội MBH giả: "Nên học Đà Nẵng"

Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) cũng đang xem xét tính hợp lý của Thông tư liên tịch vừa được 4 bộ ký kết liên quan đến quản lý mũ bảo hiểm. Nếu nhận thấy quy định xử phạt người đi xe đội mũ bảo hiểm giả thiếu tính hợp lý, cơ quan này sẽ có ý kiến.

Liên quan đến chủ trương xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả đối với người đi xe máy, Đội Tham mưu, tổng hợp (Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết, đã nắm được chủ trương. Tuy nhiên, hiện cơ quan này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc triển khai chủ trương này.

Như đã đưa tin, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ tổ chức một đợt truyền thông mạnh, rộng rãi từ 15/3 đến 15/4 bằng nhiều kênh thông tin như: báo chí, pano, áp phích... để giúp người dân nhận thức được nguy cơ của việc đội mũ bảo hiểm giả. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy về hành vi đội mũ bảo hiểm giả hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Tuy nhiên, Thượng tá Lê Đức Đoàn (cán bộ Đội CSGT số 1, Hà Nội) cho rằng, tới đây, nếu giao cho CSGT nhiệm vụ xử phạt lỗi mũ bảo hiểm giả sẽ làm khó CSGT.

Phạt đội MBH giả: "Nên học Đà Nẵng" - 1

"Giao CSGT xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả sẽ làm khó cho anh em chúng tôi", Thượng tá Lê Đức Đoàn nói

Người có nhiều năm trực tiếp điều tiết, xử lý giao thông cho rằng, trong Luật Giao thông Đường bộ cũng như các nghị định từ trước tới nay chưa hề có quy định về việc xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả. Trong luật chỉ quy định xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không cài quai mà thôi. Theo Thượng tá Đoàn, nếu áp dụng việc xử phạt hành vi này, có thể chúng ta lại phải tính đến việc sửa luật.

Mặt khác, ông Đoàn cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chí để CSGT phân biệt mũ thật hay mũ giả trên đường. CSGT cũng không có chuyên môn để thẩm định mũ. Nếu muốn xử phạt, lực lượng CSGT lại phải được trang bị máy móc cồng kềnh, phối hợp với các cơ quan có chuyên môn để kiểm tra chất lượng mũ. Cảnh sát giao thông không thể cầm mũ đập thử xem cứng hay mềm được.

Từ đó, Thượng tá Đoàn cho rằng các cơ quan cần cân nhắc việc xử lý mũ bảo hiểm giả. "Nếu giao cho CSGT xử phạt lỗi MBH giả trên đường, lại gây thêm vất vả và làm khó cho lực lượng chúng tôi", Thượng tá Đoàn nói.

Theo ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội), Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm từ năm 2008, nhưng các cơ quan chức năng không quản lý được. Do vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặc sức đưa ra thị trường các loại mũ bảo hiểm giả.

Trách nhiệm này thuộc về hiệp hội chống hàng giả, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế,...

Ông Liên cho rằng, người điều khiển xe máy là khách hàng, là người sử dụng, họ không có lỗi gì hết. Chỉ những người sản xuất và kinh doanh mũ rởm mới là đối tượng phải bị xử phạt.

Ông Liên lấy dẫn chứng so sánh: "Việc này giống như chúng ta mua bảng điện, bóng đèn ngoài cửa hàng. Vì không biết, mua phải đồ rởm nên về sử dụng gây chập điện, cháy nhà. Không thể xử phạt người mua nhầm đồ rởm được. Người ta có biết đâu mà phạt".

"Theo tôi, chúng ta nên học tập Đà Nẵng." - Ông Bùi Danh Liên gợi ý.

Phạt đội MBH giả: "Nên học Đà Nẵng" - 2

"Để giải quyết tình trạng mũ bảo hiểm giả, chúng ta nên học theo Đà Nẵng" - Ông Bùi Danh Liên nói

Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nhà nước nên đầu tư kinh phí mua và sản xuất mũ đúng tiêu chuẩn và đổi cho người dân. Chúng ta bố trí máy móc kiểm tra. Nếu phát hiện mũ rởm, CSGT không xử phạt mà yêu cầu mua mũ mới với giá hợp lý theo giá thị trường.

Ông Liên cũng phân tích, Đà Nẵng có số lượng cư dân ít nên dễ thực hiện hơn. Còn những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán thêm giải pháp. Chẳng hạn, khi phát hiện người đi xe máy đội mũ giả, lực lượng chức năng lập biên bản, đánh dấu lên mũ, rồi yêu cầu họ đến những địa chỉ bán mũ bảo hiểm được phép kinh doanh, có uy tín để mua. Nếu vẫn cố tình không mua sẽ bị xử phạt.

Mặt khác, theo ông Liên, nếu kiểm tra xử lý mũ bảo hiểm thật hay giả, cũng không thuộc trách nhiệm của CSGT. Bởi lực lượng này không có chức năng xử lý hàng giả hay sản xuất kinh doanh đồ giả. Đó nhiệm vụ của cảnh sát kinh tế và cơ quan quản lý thị trường.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng thừa nhận, luật chưa đề cập đến việc xử phạt hành vi nói trên. Theo đó, cơ quan này vẫn đang xem xét tính hợp lý của Thông tư liên tịch mà các bộ vừa ký kết về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy.

"Nếu nhận thấy có điều gì thiếu hợp lý, chúng tôi sẽ có ý kiến sau", ông Sơn cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN