Phạt "đinh tặc" tới 12 năm tù: Ý kiến trái chiều của luật sư

Có luật sư cho rằng mức phạt tới 12 năm tù với "đinh tặc" là xứng đáng, nhưng cũng có luật sư nói rằng thiếu thực tiễn nếu xử lý hình sự "đinh tặc".

Từ nhiều năm nay, tội phạm rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường (thường gọi chung là "đinh tặc") đang gây nhức nhối trong dư luận. Do đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa tội phạm rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thành một điều luật mới.

Tuy nhiên, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về điều luật này trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Phạt "đinh tặc" tới 12 năm tù: Ý kiến trái chiều của luật sư - 1

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa tội phạm rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thành một điều luật mới.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết, tội phạm rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường là hành vi đã tồn tại trong xã hội nên luật đòi hỏi phải điều chỉnh. Hành vi trên gây hư hỏng tài sản cho các phương tiện tham gia giao thông, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người thực hiện hành vi rải đinh cũng nhận thức được hành động của họ là làm hỏng lốp xe để sửa chữa phương tiện lấy tiền. Cố ý về hành vi, nhưng lại vô ý về hậu quả gây ra cho người tham gia giao thông. Đây là hành vi nguy hiểm mới của xã hội nên Bộ luật Hình sự phải điều chỉnh cho phù hợp để ngăn chặn, răn đe đối với tội phạm này. Do vậy, phạt "đinh tặc" tới 12 năm tù là xứng đáng.

Luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự - cho hay, điều luật được ban hành xuất phát từ thực trạng "đinh tặc" bùng phát gây thiệt hại cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ngọc, chỉ nên dừng lại ở xử lý hành chính, chưa nên đưa thành một tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Luật sư Ngọc lý giải, "đinh tặc" chủ yếu là người nghèo, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập. Việc họ rải đinh, vật sắc nhọn ra đường bộ là nhằm kiếm lời từ việc sửa chữa phương tiện bị hư hỏng. Hành vi này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và "làm liều" của người vi phạm. Trong dự thảo đưa ra mức xử phạt tiền cao, nghiêm khắc nhưng khả năng thực thi không cao. Bởi, chủ thể của hành vi vi phạm là những người có thu nhập thấp. Vậy, họ lấy tiền từ đâu để đảm bảo thi hành mức phạt theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)? Do đó, cần xem xét giảm mức phạt tiền cho phù hợp với mức thiệt hại do hành vi gây ra và đảm bảo thi hành án.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, việc đưa hành vi "rải đinh, vật sắc nhọn" bị xử lý hình sự ngay sẽ thiếu tính thực tiễn. Nên chăng, chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi đã từng bị xử lý hành chính về cùng hành vi.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Ủy ban Tư pháp trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 14.9 có nhiều tội danh mới được bổ sung như: Tội khiêu dâm trẻ em; tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người; tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ; tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; tội vi phạm quy định về sử dụng điện…

Trước đây, hành vi ném, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 146/2007/NĐ-CP.

Việc xử lý hành vi ném, rải đinh hoặc vật sắc nhọn được quy định tại điểm a khoản 5 và khoản 6 Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông được nâng lên từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và bị buộc thu dọn đinh, vật sắc nhọn.

Trường hợp, người rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng như làm thiệt hại về tính mạng người, cố tật hay huỷ hoại tài sản lớn thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ quy định tại Điều 143 và Điều 203 Bộ luật Hình sự với hình phạt tối đa có thể lên tới phạt tù chung thân và phạt tiền tới 100.000.000 đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN