Phập phồng cho con tiêm vắc xin viêm gan B
Sau các vụ 4 cháu nhỏ tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở tỉnh Quảng Trị và Bình Thuận, nhiều gia đình tỏ ra lo lắng, thậm chí từ chối tiêm loại vắc xin này cho trẻ sơ sinh.
Sản phụ lo lắng trước khi sinh
Sáng 25/7, chúng tôi có mặt tại các khoa sản của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM để tìm hiểu thông tin về trẻ sơ sinh sẽ được tiêm vắc xin viêm ga B sau khi sinh. Trong khi trò chuyện, nhiều gia đình tỏ ra lo lắng vì sợ sau khi tiêm loại vắc xin này con em mình có bị nguy hiểm như 4 cháu nhỏ vừa qua.
Ngồi chờ vợ làm thủ tục trước khi sinh ở bên ngoài phòng khám của Bệnh viện Thủ Đức, anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1984, quê Bình Thuận) không giấu được cảm giác lo lắng, hồi hộp. Anh Lâm đang là nhân viên của một công ty ô tô ở quận Thủ Đức, cả tuần nay vợ sắp trở dạ nên anh phải xin nghỉ phép đưa vợ đi khám thai, chờ ngày sinh.
Nói về trường hợp 4 cháu nhỏ tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B, anh Lâm lo âu: “Mấy ngày qua tôi luôn theo dõi thông tin về 4 cháu nhỏ tử vong để tìm hiểu nguyên nhân. Tôi thực sự có cảm giác âu lo, không yên tâm trước khi con được các bác sĩ tại đây tiêm vắc xin”.
Theo anh Lâm, hiện gia đình anh đang suy nghĩ xem có nên tiêm loại vắc xin này cho trẻ sau 24 giờ như quy định từ bệnh viện hay không, hay là để một thời gian cho con “cứng” mới tiêm. “Trước khi tiêm chắc tôi phải hỏi kỹ liều lượng, hạn sử dụng và đặc biệt là nguồn gốc thuốc do công ty nào sản xuất”, anh Lâm nói.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Lâm và Nguyễn Thị Thùy đang phân vân có nên tiêm vắc xin viêm gan B cho con sau khi sinh hay không?
Chị Phạm Thị Thùy (SN 1988, vợ anh Lâm) đứng bên cạnh chồng dù vui mừng vì sắp có thêm thành viên mới trong gia đình, nhưng nét lo âu vẫn hiện hữu trên khuôn mặt chị. Chị Thùy bảo, khoảng vài ngày nữa là chị sinh, nhưng mấy hôm nay, đêm nào chị cũng không chợp mắt được vì lo lắng cho đứa con sắp chào đời. Chị đang phân vân có nên tiêm vắc xin viêm gan B cho con hay không, nếu tiêm loại vắc xin này có xảy ra tình huống xấu như 4 cháu nhỏ vừa qua?
Chị Thùy thở dài: “Sinh được đứa con bây giờ khó lắm. Có được đứa con là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng chúng tôi và hai bên gia đình nội ngoại. Giờ sắp sinh rồi, nếu con tôi tiêm vắc xin viêm gan B mà xảy ra mệnh hệ gì tôi phải làm sao... Gia đình cứ khuyên tôi đừng tiêm loại thuốc này cho cháu, nhưng nếu không tiêm ngừa lỡ sau này cháu mắc bệnh cũng khổ”.
Chị Lê Thị Nhàn (SN 1981) làm nghề buôn bán ở Bình Dương lên bệnh viện Từ Dũ TP.HCM khám thai trong tâm trạng lo lắng, chia sẻ: “Tôi cùng chồng bắt taxi lên đây chuẩn bị sinh cháu thứ 2, mặc dù có kinh nghiệm làm mẹ nhưng tôi vẫn không tránh khỏi hoang mang, lo sợ điều không may sẽ xảy đến với gia đình tôi. Những ngày qua cũng nghe thông tin trẻ tử vong vì vắc xin nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân từ đâu, trẻ khi sinh ra hầu hết đều phải chích loại thuốc này nên chúng tôi chỉ biết nghe theo chỉ định của bác sĩ”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nông (SN 1982, quê Bình Định) nói: “Tôi khá tin tưởng các bệnh viện tuyến trên vì vậy mang bụng bầu từ quê lên thành phố để sinh cháu cho thuận lợi, dù vậy sau vụ 4 cháu nhỏ tử vong do tiêm vắc xin, tôi rất lo lắng”.
Các sản phụ chờ sinh ở Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đều tỏ lo lắng về chất lượng vắc xin viêm gan B
“Tiêm vắc xin, con tôi có sao không?”
Đó là tâm lý lo lắng của nhiều sản phụ khi đến bệnh viện khám bệnh và làm thủ tục tiêm chủng cho con sau khi sinh tại bệnh viện. Chị Huỳnh Thị Huyền (SN 1987, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) khoe, chị mới sinh con gái nặng gần 4kg tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
Dù khoe đứa con rất giống mẹ, nhưng chị không giấu được cảm giác lo lắng sau khi con được tim vắc xin viêm gan B. “Con tôi tiêm vắc xin viêm gan B được mấy ngày rồi, dù cháu không có biểu hiện gì nhưng đến giờ tôi vẫn có cảm giác hơi lo lắng. Ở Bệnh viện Từ Dũ, trước khi làm thủ tục tiêm vắc xin cho cháu, bác sĩ có khám sức khỏe và hỏi ý kiến chúng tôi rồi mới tiêm nên chúng tôi cũng yên tâm”, chị Huyền nói.
Một bác sĩ Khoa dinh dưỡng - Tiêm ngừa Bệnh viện Thủ Đức cho biết, mấy ngày qua nhiều sản phụ sau khi sinh đều tìm đến bác sĩ hỏi: “Bác sĩ ơi, con tôi tiêm vắc xin viêm gan B rồi có vấn đề gì không?. Con tôi có bị rủi ro gì không? Tôi lo quá!”.
Nhiều sản phụ nhờ bác sĩ tư vấn rất kỹ càng trước khi đưa ra quyết định tiêm vắc xin cho trẻ
Theo nữ bác sĩ này, sau vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong ở bệnh viện tỉnh Quảng Trị và Bình Thuận, tất cả gia đình đều tỏ ra qua tâm, hỏi han tìm hiểu về loại vắc xin viêm gan B nhiều hơn trước đây. Để trấn an, các bác sĩ phải ngồi lại giải thích cho họ hiểu, nhưng nhiều người vẫn lo lắng, có người không muốn tiêm loại thuốc này cho trẻ sơ sinh.
“Khi chúng tôi hỏi ý kiến tiêm chủng cho trẻ, người thì đồng ý, nhưng người khác vẫn ái ngại nói “từ từ rồi tiêm cho cháu sau cũng được”. Hầu hết người nào cũng yêu cầu các bác sĩ tại đây tiêm cho con họ loại vắc xin viêm gan B tốt nhất của Nhật Bản”, một nữ bác sĩ bộ phận tiêm chủng Bệnh viện Thủ Đức, chho biết.
Khi được hỏi, một số nữ bác sĩ khác ở Bệnh viện Thủ Đức cho hay hơi hồi hộp khi chích mũi vắc xin cho các trẻ, nhất là sau vụ 4 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B. vừa qua.
“Mấy ngày qua khi tiêm chủng cho các trẻ, chúng tôi cũng lo. Tuy nhiên, chúng tôi luôn bình tĩnh cố gắng hoàn thành trách nhiệm của một bác sĩ. Việc kiểm tra sức khỏe của trẻ sơ sinh trước khi tiêm chủng vốn đã kỹ nay phải cẩn trọng hơn nữa vừa đảm bảo quy trình vừa để gia đình các bé yên tâm”, một bác sĩ thuộc bộ phận tiêm chủng bệnh viện Thủ Đức chia sẻ.