Pháo không nổ không an toàn tuyệt đối

Gần đây, nhiều người chú ý tới thông tin Bộ Công an có thể sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không nổ vào dịp Tết năm nay vì loại pháo này không gây hại. Trong khi đó, nhiều quốc gia cho phép người dân dùng loại pháo hoa cỡ nhỏ này, nhưng quản lý chặt và quy định độ tuổi sử dụng vì có nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn.

Tại Mỹ, loại pháo hoa hỏa thuật bán cho người dân sử dụng được gắn mác “an toàn và lành mạnh”. Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng là cơ quan hướng dẫn, quy định tiêu chuẩn chất lượng pháo hoa cỡ nhỏ bán cho người dân Mỹ. Ủy ban này phối hợp với hải quan để ngăn chặn tình trạng pháo hoa nhập lậu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời thu hồi các sản phẩm pháo hoa bị cho là không an toàn.

Pháo không nổ không an toàn tuyệt đối - 1

Pháo hoa được bán cho người dân ở Mỹ có rất nhiều dạng

Nhiều bang của Mỹ có luật giới hạn nghiêm ngặt việc mua và sử dụng pháo hoa dạng nhỏ. Mỗi năm, cơ quan chức năng xử lý rất nhiều cá nhân sở hữu pháo hoa bất hợp pháp.

Luật liên bang đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu, còn mỗi bang được tự do đưa ra luật riêng để kiểm soát. Luật của bang California quy định pháo hoa bán cho người dân không được bay lên khỏi mặt đất. Bang Bắc Carolina giới hạn pháo hoa bán lẻ không được chứa quá 200gr bột đen. Các bang như New York, New Jersey, Massachusetts, và Delaware cấm hoàn toàn mọi loại pháo hoa bán cho người dân.

Pháo hoa tiêu dùng ở Mỹ được sản xuất dưới rất nhiều dạng, trong đó có cả pháo hoa hợp pháp theo đúng luật liên bang và pháo hoa chuyên nghiệp hoặc thiết bị nổ trái phép được bán ở chợ đen. Tình hình sản xuất và tiêu thụ nhiều loại chứa thuốc nổ trái phép cho người tiêu dùng ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Tại Australia, pháo hoa loại 1 (pháo sáng dạng que, pháo giấy thường dùng trong các bữa tiệc…) được phép bán rộng rãi. Bất kỳ loại pháo nào có tiếng nổ hoặc bay lên khỏi mặt đất thì đều phải đăng ký xin giấy phép loại 2. Lãnh thổ phía bắc chỉ cho phép bán pháo hoa cho người trên 18 tuổi vào thời gian từ 9h – 21h.

Tại Hà Lan, tất cả các loại pháo hoa đều bị cấm bán cho người dưới 16 tuổi. Pháo hoa cũng chỉ được bán trong 3 ngày trước năm mới. Nếu 1 trong 3 ngày rơi vào Chủ nhật thì pháo hoa cũng không được bán vào ngày hôm đó mà được lùi sang ngày hôm trước.

Nước Anh cấm bán pháo hoa cho người dưới 18 tuổi, và người dân chỉ được đốt pháo hoa từ 7h – 23h hằng ngày, ngoại trừ dịp Tết dương lịch, Tết âm lịch và một vài dịp khác.

Nhiều trẻ bị thương

Thuật ngữ pháo hoa “an toàn và lành mạnh” trở nên phổ biến ở Mỹ từ cuối những năm 1960 để chỉ loại pháo hoa không bay, không di chuyển và không nổ.

Loại pháo hoa được gắn mác là “an toàn và lành mạnh” không có nghĩa là người dùng có thể đốt ở mọi hướng gió. Cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo người tiêu dùng phải tuân thủ quy tắc sử dụng an toàn vì các hợp chất tạo hỏa thuật vẫn chứa thuốc súng và cần châm lửa. Sau khi pháo được đốt, các chất còn lại vẫn rất nóng trong thời gian nhất định nên có thể làm bỏng tay trẻ em. Vì thế, cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo mọi người nên đặt chậu nước gần bên mỗi khi đốt pháo để có thể nhúng ngay tay, chân vào nước trong trường hợp bị bỏng.

Pháo không nổ không an toàn tuyệt đối - 2

Nhiều trường hợp trẻ bị thương do dùng pháo hoa nhỏ

Ngoài ra, người sử dụng được khuyến cáo phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, chỉ đốt pháo ở ngoài trời quang đãng; trẻ em chỉ được đốt pháo dưới sự giám sát của người lớn; chỉ được đốt từng pháo một.

Dù kiểm soát và khuyến cáo cụ thể, mỗi năm ở Mỹ vẫn xảy ra nhiều trường hợp bị thương do sử dụng pháo. Theo Báo cáo thường niên về pháo hoa của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng, năm 2008 có khoảng 900 trường hợp bị thương do sử dụng pháo, trong đó có 500 trường hợp liên quan đến pháo hoa cỡ nhỏ, 100 trường hợp dùng pháo hoa bất hợp pháp và 300 người không rõ dùng loại pháo gì.

Bị thương ở trẻ em chiếm tỷ lệ khác cao. Trong năm 2008, số trẻ em dưới 15 tuổi bị thương do liên quan đến thuốc lá chiếm tới 40%. Trẻ em và thanh niên dưới 20 tuổi bị thương chiếm 58%.

Các trường hợp bị thương do pháo hoa chủ yếu do dùng sai cách hoặc có trục trặc: pháo nổ sớm hơn dự tính, pháo phụt lung tung, vỏ pháo bay vụt lên. Trẻ em dùng pháo hoa không có người lớn giám sát, tự làm pháo hoa ở nhà và nghịch ngợm cũng là nguyên nhân gây tai nạn. Theo điều tra của Ủy ban, hầu hết các nạn nhân đều phục hồi hoàn hoàn sau khi bị thương, nhưng cũng có nhiều trường hợp để lại hậu quả lâu dài như sẹo vĩnh viễn, mất thị lực.

Hiệp hội An toàn phòng cháy quốc gia (NFPA) kêu gọi mọi người coi việc sử dụng tất cả pháo hoa hợp pháp và bất hợp pháo chỉ phù hợp với người có chuyên môn. Theo tổ chức này, người sử dụng nghiệp dư không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn ảnh hưởng tới người đứng gần, tài sản và cơ sở vật chất xung quanh. Các thiết bị hỏa thuật từ que pháo cầm tay tới pháo bay khỏi mặt đất gây ra hàng ngàn vụ hỏa hoạn và thương tích nghiêm trọng mỗi năm.

“Chẳng có loại pháo hoa nào an toàn. Khi có sự cố xảy ra với pháo hoa thì mọi thứ xấu đi rất nhanh và khó phản ứng kịp”, TS. John Hall, Giám đốc bộ phận quản lý và phân tích của NFPA, nhận xét.

Pháo hoa hỏa thuật không hoàn toàn vô hại với môi trường vì nó thải ra khói và hạt bụi chứa dư lượng kim loại nặng, hợp chất than – lưu huỳnh và một số hóa chất độc hại nồng độ thấp. Các phụ phẩm của pháo hoa phụ thuộc vào thành phần của từng loại pháo hoa cụ thể. Ví dụ, pháo hoa tạo ánh sáng màu xanh có thể chứa một số hợp chất và muối Bari – có thể độc hoặc vô hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN