“Phao cứu sinh” khi viện phí tăng

Thời gian gần đây, một loạt các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống liên tục tăng giá như điện, gas, xăng và mức đóng viện phí cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Bắt đầu từ tháng Tám, một số bệnh viện tuyến trung ương, hàng chục địa phương trên cả nước sẽ thực hiện việc thu viện phí mới như Cao Bằng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ…

Mức đóng viện phí mới được áp dụng khiến cho nhiều người dân, nhất là những người nghèo đang bồn chồn lo lắng.

42 tỉnh thành phố thông qua viện phí mới

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/7, đã có 42 tỉnh, thành phố thông qua viện phí mới và sẽ đồng loạt áp dụng trong tháng Tám và tháng Chín. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chưa áp dụng giá viện phí mới trong năm nay.

Đa số địa phương đã thông qua mức tăng viện phí mới đều áp dụng ở mức từ 70-75% khung của liên bộ Y tế-Tài chính. Riêng có hai tỉnh có mức đề xuất tăng khá cao là Khánh Hòa và Đồng Tháp áp dụng ở mức từ 93-95%.

Khi đưa ra lý do tăng viện phí, hầu hết các bệnh viện cho rằng việc tăng viện phí lần này là phù hợp để tránh nguy cơ ngân sách phải bù cho các bệnh viện quá lớn.

Nhưng đối với nhiều người dân, việc tăng viện phí dường như là một “cú sốc” không nhỏ, nhất là với người nghèo và người không có bảo hiểm y tế.

Người có bảo hiểm y tế vẫn vững tâm

Bắt đầu từ ngày 1/8, mức viện phí mới sẽ được nhiều tỉnh và bệnh viện tuyến trung ương áp dụng, đáng lưu ý có nhiều dịch vụ sẽ tăng giá từ 20 đến 70 lần.

Ông Nguyễn Nam Liên-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đưa ra nhận định, mức viện phí mới có tác động đến người dân, tuy nhiên mức độ tác động không quá nhiều. Bởi dù giá viện phí mới có cao hơn, thì đa phần do bảo hiểm y tế chi trả.

“Phao cứu sinh” khi viện phí tăng - 1

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nhận định, mức viện phí mới không tác động nhiều đến người có BHYT (Ảnh minh họa)

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, tính đến hết năm 2011 cả nước có gần 56 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 64% dân số. Đến cuối năm 2011 đã có 818 bệnh viện của 59 tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng phương thức thanh toán theo định suất.

Từ năm 2010, phương thức thanh toán theo định suất đã được Luật Bảo hiểm y tế quy định là một trong ba phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trao đổi về vấn đề tăng viện phí tác động đến người dân như thế nào, ông Liên cho hay, các đối tượng như: người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi (gần 9 triệu trẻ em) được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

Các đối tượng khó khăn như hưu trí, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng kinh tế-xã hội khó khăn đã được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, được thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế xã, được thanh toán 95% tại các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên, chỉ phải chi trả 5% của phần giá dịch vụ tăng thêm. Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán số còn lại.

Ông Liên dẫn chứng, chẳng hạn như một ca khám chữa bệnh hiện nay (khi giá viện phí chưa tăng) hết 1 triệu đồng. Giả sử các tỉnh điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này, cũng người bệnh ấy, ở tỉnh vừa điều chỉnh tăng giá có thể lên đến 1,3 triệu đồng, chênh lệch 300 nghìn đồng giữa các giá cũ và giá mới thì các đối tượng trên chỉ phải đóng 5% của số tăng thêm – tương đương khoảng 15 nghìn đồng.

Thậm chí, có dịch vụ tăng thêm 1 triệu đồng thì những đối tượng được ưu tiên như trên cũng chỉ phải đóng thêm 50 nghìn đồng. “Như vậy, có thể thấy mức tăng viện phí tác động không nhiều lắm” – ông Liên nói.

Còn các đối tượng khác như học sinh, sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ 30% để tham gia bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh phải chi trả 20% chi phí nên Quỹ gia bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 80% của số tăng thêm, chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Đối tượng là người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia gia bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh chỉ đồng chi trả 20% chi phí; nên cũng chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Riêng đối với khoảng 36% dân số còn lại chưa có thẻ bảo hiểm y tế (đây là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên) bị ảnh hưởng khá mạnh thì phải thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân dưới các hình thức thích hợp của mỗi hộ gia đình.

Lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo

Để giảm tối thiểu tác động đến người dân khi viện phí tăng, Bộ Y tế đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định để các tỉnh tái lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo.

Theo đó, quỹ này hoạt động dựa trên nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa để hỗ trợ cho một số đối tượng có khó khăn, kể cả người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Giang (Vietnam+)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN