Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa oanh tạc cơ H-6J tới đảo Phú Lâm

Sự kiện: Thời sự

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chiều 20-8 đã nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 8.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 20-8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 8.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhưng cũng xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí cũng như máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

"Chúng tôi kêu gọi các bên có đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông"- bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Trước đó, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc ngày 13-8 lập lờ chuyện ngang nhiên đưa máy bay ném bom chiến lược H-6J ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ báo này cho rằng sự xuất hiện của H-6J là để "răn đe tàu sân bay Mỹ".

Bình luận về thông tin hàng ngàn tàu cá Trung Quốc sắp tràn xuống Biển Đông

Phóng viên đề nghị bình luận thông tin hàng ngàn tàu cá Trung Quốc có thể tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hết hạn. Liệu có cơ chế ngăn va chạm giữa tàu cá Việt Nam và Trung Quốc như thế nào?

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Tôi xin nhắc lại quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá đã được nêu rất rõ".

Trước đó, ngày 8-5-2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1-5 đến 16-8-2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".

Vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin sau khi lệnh cấm đánh bắt 3 tháng rưỡi ở Biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt kết thúc ngày 16-8, hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam bắt đầu đổ xuống vùng biển này.

Đoạn phim do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa lên Twitter ngày 16-8 nói rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông kết thúc. Chuyến ra khơi mất khoảng 6-7 ngày. Trong đoạn video, một ngư dân cho hay các ngư dân đã chuẩn bị thực phẩm cho 12 ngày. Đoạn video còn chiếu cảnh các tàu cá ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây hôm 16-8 bắt đầu ra khơi ở vịnh Bắc Bộ để đánh bắt ở "vùng biển mở".

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Ngoại giao lên tiếng về Lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Lập trường của Mỹ đối với các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN