Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường

Sự kiện: 24h vạn dặm

Chợ thành phố Việt Trì vào ban ngày là nơi tấp nập người dân qua lại mua bán nhộn nhịp. Nhưng hầu như không ai biết, phía sau khu chợ sầm uất ấy là "căn nhà" được dựng từ những chiếc ô cũ, những tấm bạt, vỏ bao bì lụp xụp của mẹ con nhà Linh - những số phận cùng khổ, vô gia cư tội nghiệp.

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 1

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 2

‏Trước mắt chúng tôi là Linh, cô gái 20 tuổi. Chúng tôi nhìn thấy được sự khắc khổ và từng trải hiện rõ trên nét mặt của em. Đôi mắt âu sầu và khuôn mặt mệt mỏi, ít ai có thể biết được, đằng sau sự "già dặn" trước tuổi ấy là cả một cuộc đời chịu nhiều bất hạnh, "khổ từ trong trứng nước".‏

‏Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 2002, quê ở thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ) sinh ra không biết mặt bố mình là ai, Linh được mẹ và anh em họ hàng bên ngoại cưu mang và nuôi nấng.‏

‏Em cùng với người mẹ "hóa điên" của mình sống nhờ ở khu tập thể nhà máy điện bỏ hoang tại phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Khu tập thể bị giải tỏa cũng là lúc em cùng với mẹ và con của mình phải sống cuộc sống không nhà cửa nay đây mai đó. 

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 3

‏Mẹ Linh, người đàn bà 60 tuổi, là hình mẫu "chuẩn" cho phận nữ đào hoa bạc mệnh. Sau những tháng ngày bôn ba ở nước ngoài, bà cưới chồng, có hai người con trai. Xung đột hôn nhân, chồng đi lấy vợ hai. Bỗng chốc, từ một người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa bà đã "hóa điên", bỏ nhà ra đi, từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân, hứng chịu nhiều bi kịch. ‏

‏Người phụ nữ "mệnh bạc" này một thời gian sau khi đi lang thang đã sinh ra Linh. Mặc cho khi lớn lên, Linh có thắc mắc về bố của em, bà cũng không bao giờ tiết lộ. Diệu Linh tâm sự với chúng tôi với sự bình thản đến đáng sợ của một người từng trải: "Từ lúc em đẻ ra đến giờ, em không biết bố em là ai cả, nếu biết thì chắc cuộc đời em cũng không đến nỗi thế này!".

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 4

‏Phú Thọ những ngày này có hôm rét đến 8 độ C. Linh thở dài, nói với chúng tôi với vẻ mặt rầu rĩ: "Mùa đông, người ta đi qua thấy thương nhà em, họ mang cho mẹ con em nhiều chăn và quần áo nhưng bà ấy toàn mang vứt hết đi không nhận, nhiều người họ ở lại lâu một chút để hỏi han gia cảnh, bà toàn cầm gậy đuổi đi. Nhiều lúc bà còn cầm gậy đánh cả em. Khổ lắm!".

Nhẫn là mảnh 'hồn nhiên' đặc biệt sưởi ấm căn nhà hoàng lạnh và tăm tối.

Nhẫn là mảnh 'hồn nhiên' đặc biệt sưởi ấm căn nhà hoàng lạnh và tăm tối.

‏Từ trong góc nhà, một đứa trẻ hồn nhiên nhoẻn miệng cười và nói với chúng tôi những câu chuyện đặc biệt. Ít ai biết rằng sau cái nụ cười hồn nhiên đó là cả một ký ức đau thương mà Linh đã từng phải chịu đựng. ‏

‏Diệu Linh nghẹn ngào, dòng nước mắt bò dài trên gương mặt u ám: "Em đã bị cưỡng hiếp từ năm em 15 tuổi. Năm nay con em đã 5 tuổi rồi!". Chúng tôi lặng người đi tựa như cái phì phào thở dài của mẹ Linh sau khi hít sâu một hơi thuốc lá trong đêm lạnh. ‏

‏Những người nghèo thường ít có cơ hội định đoạt cuộc đời mình hơn. Nhà tập thể bị giải tỏa, mẹ con Linh phải dựng lều ở sau khu Nhá máy hóa chất Việt Trì. Một mảnh đất hoang vắng, xa khu dân cư thì chắc chắn sẽ ít bị đuổi đi hơn. Buổi tối, không có điện, Linh đã bị một người đàn ông xâm hại. ‏

‏Ký ức về đêm tối đặc biệt đó đến bây giờ vẫn khiến cô gái 20 tuổi người run lên bần bật như bao uất ức lại ùa về; ‏‏"Trời tối, em không thể biết được người đó là ai. Điều em thấy trước mặt bấy giờ là một bóng đen cao, gầy, hắn vồ lấy người em. Không thể kháng cự vì hắn cầm một con dao nhỏ và chiếc dùi cui điện dí vào sau lưng, em nghe rõ thấy tiếng hắn bật dùi cui kêu lạch tạch, em cảm giác như bị điện giật. Vì sợ hãi nên em đành buông xuôi".

Linh với những khoảnh khắc của cuộc sống mưu sinh.

Linh với những khoảnh khắc của cuộc sống mưu sinh.

‏Linh nói: ‏‏"Một thời gian sau, em thấy lạ khi bụng trở nên ngày một to và cảm giác người em ngày càng trở nên nặng nhọc, kỳ kinh nguyệt cũng không còn, cơ thể có những vết rạn nứt, em vẫn nghĩ là do mình tăng cân. Kể cho mẹ nghe thì mẹ tâm thần nên cũng mặc kệ. C‏‏ho đến những ngày cuối thai kỳ em mới phát hiện ra mình mang thai". 

‏Khổ, cái khổ làm người ta ý thức thân phận hơn. Chúng tôi hỏi em: "Tại sao em lại đặt tên con em là Nhẫn?". Em đáp: "Nhẫn có hai nghĩa, nhẫn nhịn, nhẫn tâm. Em có con vì sự nhẫn tâm của kẻ xấu nhưng để nuôi con lại cần nhẫn nhịn. Đó cũng là điều em muốn con hiểu để vượt qua mọi khó khăn trong đời". ‏

‏Cuộc đời vốn lạ mà quen, trong cái bi kịch tưởng như khốn nạn nhất lại cũng là ánh sáng tuyệt vời nhất. Nhẫn là kết quả của một bi kịch nhưng cũng là mầm xanh của hy vọng. Tưởng như trong căn nhà bé nhỏ sẽ không bao giờ còn tiếng cười, niềm vui thì từ khi có sự xuất hiện của Nhẫn phần u ám đã vơi bớt. 

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 7

Nhẫn có một thú vui kỳ lạ đến tội nghiệp. Nếu trẻ con thành phố thấy chuột là chạy thì Nhẫn lại có khả năng nói chuyện, tâm sự hàng chục phút với những con chuột quanh nhà của em. Nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ của em khi được vuốt ve những con chuột cống như ánh điện sáng chiếu vào túp lều đau khổ, tối tăm của những thân phận cùng khổ. ‏

‏Bằng tuổi ‏‏Nhẫn‏‏, những đứa trẻ ngoài kia vẫn còn đang được sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Nếu thấy chuột, có thể chúng sẽ hét lên và chạy đi vì sợ hãi, nhưng với Nhẫn, bé coi chúng là những người bạn "cùng nhà", cho chúng những mẩu bim bim vụn và rình, đuổi theo chúng để chơi trò đuổi bắt.‏

‏Có Nhẫn, cuộc đời Linh có thêm hy vọng. Em hiểu và thông cảm hơn những gì mà mẹ mình đã trải qua. Linh nói: "Nhẫn như điểm neo để em tựa vào trong những lúc bi quan nhất, chán nản nhất. Nó như phần bù đắp cho em trong cuộc đời đầy rẫy những bất hạnh, đau khổ". 

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 8

‏Một cô gái 20 tuổi, chưa từng đến trường, nhưng em sâu sắc hơn những gì người ta thường mường tượng. Linh đã nỗ lực làm lụng từ nhặt ve chai đến bốc vác thuê để có thể có thêm tiền cho con được đi học. ‏

‏Linh tâm sự, khuôn mặt rạng rỡ như những nỗi khổ đau của quá khứ đã lùi xa: "Em không phải là một người mẹ hoàn hảo nhất nhưng chắc chắn em sẽ trở làm mọi điều tốt nhất cho con em. Khi có ai hỗ trợ, đồ ăn thì dùng hàng ngày còn tiền chắc chắn em sẽ tiết kiệm để con em có thể đi học". ‏

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 9

‏Điều khiến chúng tôi bất ngờ là Linh chịu cảnh "màn trời chiếu đất" không phải vì bị gia đình bỏ rơi mà vì không nhẫn tâm để mẹ một mình lang thang. 

Nhớ lại khi Linh sinh bé Nhẫn, nhà ngoại đưa mẹ con em về nhà chăm sóc và đưa bà Dung vào Bệnh viện Tâm thần để chữa trị. Được hơn một tháng, Linh không có đủ tiền chi trả viện phí nên phải đón bà Dung về. Ở nhà ngoại được một thời gian, bà Dung nhất quyết đòi rời nhà đi.

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 10

Linh chia sẻ lý do bà Dung khước từ mọi sự giúp đỡ sau từng ấy năm: "Sau cuộc hôn nhẫn đầu bị đỗ vỡ, bà ấy không muốn tin tưởng hay dựa dẫm vào bất kì ai. Nhà ngoại luôn sẵn sàng cưu mang nếu mẹ con em muốn quay trở về nhà nhưng bà ấy không nghe nên ba mẹ con em mới phải sống cuộc đời ‘màn trời, chiếu đất’ như này. Bỏ mẹ một mình em không đành lòng nên em phải đi theo". ‏

‏Linh cho biết thêm: "Anh trai mẹ là bác em vẫn thường xuyên xuống thăm nhà em và cho ít quà. Cứ mỗi lần như vậy, mẹ em lại nổi cơn tâm thần, luôn chửi rủa, cầm gậy đuổi và thậm trí cầm gạch ném bác bị thương".

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 11

‏Chiếc lều gia đình Linh ở hiện tại ở cạnh bờ ruộng, được dựng lên bởi những chiếc ô cũ hỏng và tấm bạt, mảnh vải thừa người dân vứt bỏ đi. Xung quanh lều là thùng sơn, vỏ chai, giấy rác, nilon, sắt vụn,… ẩm thấp "Mỗi lúc trời mưa to, căn lều bị hắt ướt một nửa"- Linh nói.‏

‏Trong lều chỉ đủ diện tích kê một chiếc lõi đệm nhỏ đã rách cho ba người nằm. Một chiếc gối đã cũ mốc đen xì lại với những mảnh chăn người dân vứt đi rồi mang về đắp.‏

‏"Linh ơi! Này! Gần 4 rưỡi 5 giờ, mình sắp đi nhặt rồi đấy!"- Cách xưng ngang của em khiến chúng tôi bất ngờ. Linh chỉ biết nói qua chuyện: "Nghe bà chửi bậy nhiều quá nên cháu bị quen miệng". ‏

‏Khách sạn ở gần chỗ Linh ở có quy định giờ đổ rác, tầm khung giờ từ 4-5 giờ chiều, mẹ con em ra đó có thể sẽ thu gom được những vỏ lon, chai nhựa,… từ những thùng rác mà khách sạn bỏ ra. Thời COVID, người ta thấy lon hộp, thấy khẩu trang là chạy xa nhưng biết sao được, đó là nguồn mưu sinh sự sống duy nhất của mẹ con em". 

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 12

‎Nhà còn mẹ bệnh, con thơ nên mọi gánh vác đều đổ dồn lên vai Linh. Bà Dung thi thoảng phát bệnh lại bỏ nhà đi lang thang, bé Nhẫn ngoài những lúc được đi nhà trẻ ra thì ở nhà bám mẹ không rời. Không được học hành đến nơi đến chốn, mẹ bệnh, con thơ khiến em không thể tìm kiếm được một công việc ổn định hơn. ‏

‏Hàng ngày, từ mờ sáng đến chiều, Linh bắt đầu công việc của mình trên chiếc xe đạp cũ kĩ, ‏‏đi dọc các tuyến phố ‏‏để thu mua và ‏‏tìm nhặt ‏‏ve chai, sắt vụn ‏‏về bán cho người ‏‏mua phế liệu. Đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của gia đình em.

Linh trong góc bếp quen thuộc.

Linh trong góc bếp quen thuộc.

‏"Trung bình một tháng kiếm được 500.000 đồng tháng nào tốt em kiếm được 1 triệu. Số tiền kiếm được cũng tùy theo số hàng mình nhặt được. Có những ngày nhà em không kiếm được đồng nào. Bữa ăn trang trải lúc no, lúc đói" - Nói rồi Linh nghẹn ngào quay đi, những giọt nước mắt lăn dài trên má khi em nghĩ về số phận hẩm hiu của cả gia đình đang gánh chịu.‏

‏Xẩm tối, Linh vừa nói chuyện vừa nấu bữa tối. ‏‏Nghe Linh tâm sự, chúng tôi vội đi ra "góc bếp" nhà em, mở nắp chiếc nồi mà em gọi là "canh" đang đun giữa chừng, mới biết được bữa ăn hôm nay của gia đình em chỉ là nồi măng thái mỏng đun lên để ăn cùng cơm.

‏‏Những đêm rét buốt, ba mẹ con vẫn phải mặc áo ấm, đội mưa để đi nhặt phế liệu. "Cứ 8 giờ tối là nhà em đi nhặt ve chai đến tầm 1-2 giờ sáng. Nhưng từ đợt mất chiếc xe kéo, chỉ còn mẹ em đi nhặt ban đêm, em và cháu Nhẫn phải ở nhà trông không họ lại vào trộm đồ tiếp". ‏

‏Linh có vẻ trầm xuống khi nhắc tới chiếc xe kéo: "Xe kéo để chở số lượng hàng nặng và nhiều khi em đi thu gom đồ nhưng nó vừa bị mất vào đợt tháng 8. Em khóa dây xích cẩn thận vào xe trước khi đi nhặt rác, ấy vậy mà còn bị người ta cắt dây xích lấy đi mất rồi.‏‏ Bây em đi chở hàng phải dùng chiếc xe máy cũ mua lại với giá 550. 000 đồng."‏

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 14

Bữa ăn của gia đình Linh không đủ ngày 3 bữa, "Khi là rau luộc, hôm nào kiếm được nhiều tiền hơn thì gia đình được quả trứng, miếng thịt. Nhà có trẻ con nên dù tiền có ít hay nhiều em cũng phải cố đong lấy ít gạo để ăn"- Linh cho biết.‏

‏"Tết vừa rồi người dân quanh đây thấy gia cảnh nhà em vậy họ cũng ủng hộ, cho quà bánh, đồ ăn và lì xì cho cháu Nhẫn, nhà em cũng có một cái tết vui lắm!". Niềm vui của gia đình Linh mà chúng tôi cảm thấy sao "nghẹn đắng" cổ họng.

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 15

Khi chia sẻ về những thăng trầm của cuộc sống Linh đã từng trải qua, em cho biết: "Lúc khó khăn với em nhất, đó chính là lúc phải gom góp đóng tiền học cho con. Chứ còn ăn uống, chi tiêu của gia đình em cũng không đến nỗi nhiều! Bù lại những lúc em cảm thấy hạnh phúc nhất là được thấy con vui cười, con được đến lớp đi học với bạn bè cùng lứa.‏

‏"Cuộc đời em chẳng mong gì hơn, chỉ cần có cơm để ăn, có công việc để làm là được, với cho cu em đi học là được yên những lúc đi làm lắm rồi!".‏

Đêm‏‏ Phú Thọ ‏‏lạnh đến ‏‏8 độ C,‏‏ chúng tôi‏‏ chạnh lòng thay cho những số phận hẩm hiu bên trong chiếc lều đang ‏‏ngồi co ro, ôm nhau trong cái lạnh thấu xương, dưới ánh đèn đường lay lắt như chính cuộc đời của ba mẹ con nhà họ.

Giữa những 'ngổn ngang' của số phận, tình yêu thương là điểm tựa thiêng liêng nhất.

Giữa những 'ngổn ngang' của số phận, tình yêu thương là điểm tựa thiêng liêng nhất.

‏Rời khỏi chiếc lều lụp xụp khi trời đã tối đen. Cái thời gian lẽ mà người ta chỉ trông mong trời sáng nhưng những số phận như bị "giời đày" bên trong chiếc lều ẩm ướt, tối đen kia, họ đang trông đợi một "phép màu" nào đó sẽ đến bên gia đình họ. ‏

‏Bà Dung vẫn đang hút thuốc phì phèo, nhả khỏi rồi mơ lãng đến một miền đặc biệt nào đó trong đời. 

Phận đời của những số mệnh "bị đánh cắp" sống tạm bên vệ đường - 17

‏Chúng tôi rảo bước trở về. Ra khỏi lều bà Dung cầm dao rượt đuổi: "Tao đói cho sạch, rách cho thơm nhá…". Toàn triết lý sâu sắc, đâu ra đấy, hẳn trước khi "hóa điên" bà cũng đã có những khát vọng, có một cuộc đời đáng sống.

Nhẫn đã được đi học, được mẹ yêu thương, điều may mắn để có thể vươn tới một cuộc đời khác, là chỗ dựa cho hai người đàn bà cùng khổ. ‏

‏Linh, một cô gái chưa từng được ăn học nhưng lại có hiếu và hiểu chuyện. Ngay ở đỉnh điểm của khổ đau mà cũng có hai mặt. Bởi, mẫu số chung của những nhân vật cùng khổ là sự giác ngộ. Không giác ngộ thì chỉ nghĩ đến những chuyện cùng đường "chết mới hết khổ"!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hoàng - Bảo Thoa ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN