Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp cho rằng, việc sáp nhập cấp tỉnh tạo điều kiện thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn từ Trung ương cho địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Thưa ông, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta?
Đảng đang lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị để đưa đất nước ta bước vào Kỷ nguyên phát triển mới. Theo định hướng, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này tập trung sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp: cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư) và cấp cơ sở (gồm xã, phường, đặc khu ở hải đảo), bỏ đơn vị trung gian cấp huyện. Hiến pháp quy định chính quyền địa phương theo mô hình 3 cấp, do đó, để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cần phải sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan.
Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đặt ra vấn đề về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương
Theo tôi, có thể sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp theo hướng quy định các đơn vị hành chính gồm 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương); cấp cơ sở dưới cấp tỉnh do Luật quy định. Tuy nhiên, để linh hoạt, không nên quy định cụ thể trong Hiến pháp các loại đơn vị hành chính cấp cơ sở dưới cấp tỉnh. Đối với chính quyền địa phương cũng không nên quy định cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc: chính quyền địa phương được tổ chức tại các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt và do luật định.
Phân cấp, phân quyền triệt để hơn
Ngoài việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền địa phương, còn vấn đề gì cần chú trọng khi sửa Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu của cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy?
Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ có việc giải thể, bãi bỏ, hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính một cách đơn thuần mà còn phải xác định lại chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và mối quan hệ của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp
Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô nhỏ thành các đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn về diện tích, dân số, không gian và có đầy đủ hơn tiềm lực, nguồn lực phát triển càng có điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh từ Trung ương cho địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Cần hiến định chủ trương phân cấp phân quyền nói trên vào khoản 3 Điều 2 của Hiến pháp, từ đó sửa đổi, bổ sung các điều cụ thể có liên quan đến thẩm quyền của trung ương và địa phương.
Vậy, theo ông nên nghiên cứu sửa đổi như thế nào để thực hiện được nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”?
Theo khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội quyết định thì HĐND cấp tỉnh vẫn phải họp để tiếp tục quyết định ngân sách của địa phương mình trên cơ sở dự toán đã được Quốc hội quyết. Do đó, khi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, có lẽ cũng nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định để địa phương chủ động quyết định ngân sách của địa phương. Riêng đối với các địa phương còn khó khăn thì mới được bổ sung từ ngân sách Trung ương.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy có tính cách mạng cũng đòi hỏi phải xem lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Do đó, ngoài các điều khoản có liên quan trong Chương chính quyền địa phương của Hiến pháp, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc có tính chi phối toàn bộ tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cụ thể hóa đúng đắn, phù hợp tại các Chương, Điều khác của Hiến pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức này theo đúng yêu cầu và tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đang diễn ra ở nước ta.
Xin cảm ơn ông!
Để địa phương quyết, địa phương làm Theo ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ đơn thuần là tinh gọn các đầu mối mà hướng tới mục tiêu lớn hơn. Đó là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Khi tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền liên thông từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở, thì tổ chức Đảng, chính quyền cấp tỉnh không thể bao biện làm thay hết mọi việc của tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở. Tổ chức Đảng, chính quyền cấp cơ sở hằng ngày phải lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp giải quyết rất nhiều công việc thì mới đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp. Quản trị phân quyền, trách nhiệm rõ ràng Nhấn mạnh định hướng được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công cho rằng, đây là một chỉ dấu chính trị quan trọng, thể hiện rõ định hướng chuyển từ mô hình quản lý hành chính tập trung sang mô hình quản trị phân quyền, trách nhiệm rõ ràng, lấy địa phương làm trung tâm thực thi và sáng tạo chính sách. Trung ương đóng vai trò kiến tạo thể chế, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá kết quả; trong khi địa phương được trao quyền để tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân. Để hiện thực hóa định hướng trên, cần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật theo ba hướng lớn: Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, làm rõ vai trò của mỗi cấp chính quyền trong cơ cấu quản lý nhà nước, phân biệt rõ cấp chiến lược - cấp tác nghiệp - cấp phục vụ dân sinh. Cần có các điều khoản khẳng định rõ nguyên tắc bổ trợ và quyền tự chủ của địa phương trong giới hạn luật định. |
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Quân ủy Trung ương sẽ sắp xếp bộ chỉ huy quân sự và bộ đội biên phòng từng địa phương theo các tỉnh sau sáp nhập.
Nguồn: [Link nguồn]
-11/04/2025 06:21 AM (GMT+7)