Phải giám sát những ông chủ ngân hàng
ĐBQH đề nghị phải giám sát nhiều những ông chủ của các ngân hàng là doanh nghiệp lớn nhằm tránh hệ lụy, không để xảy ra trường hợp như Ngân hàng TMCP Sài Gòn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng
Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về những vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại báo cáo 612/BC-CP, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo trước); quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động...
Liên quan đến quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại điều 10 dự thảo luật, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nêu rõ thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với những TCTD nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Thực tế có tình trạng các TCTD sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra. Cho rằng điều 10 chưa chế định cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, đại biểu Trân đề nghị xem xét bổ sung quy định cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể. Trong đó, cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các TCTD.
ĐBQH Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận. ẢNH: PHẠM THẮNG
Kiểm soát chặt sở hữu chéo
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm tới sở hữu chéo ngân hàng, bởi đây là vấn đề quan trọng và trong thời gian qua đã có một số ngân hàng vướng phải. Theo đại biểu, cốt lõi là làm sao phải giám sát nhiều tới những trường hợp ông chủ của các ngân hàng là các doanh nghiệp (DN) lớn, không để tình trạng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nữa. Do đó, ĐB đề nghị phải xem xét cụ thể ông chủ của các ngân hàng này và cổ đông của các ông chủ ngân hàng. ĐB Hòa cho biết có dư luận cho rằng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng này khó đến được tay của người vay và DN vay, song ông chủ hay cổ đông của các ngân hàng này thì tiếp cận dễ dàng. "Nếu không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, khả năng lại xảy ra như Ngân hàng SCB" - ĐB Hòa cảnh báo.
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tiếp tục quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo theo nghị quyết của trung ương và Quốc hội. Dẫn thực tế qua vụ việc của Ngân hàng SCB, ĐB An cho rằng sở hữu chéo, chi phối và thao túng trong ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. "Tôi cho rằng cốt lõi của hệ thống ngân hàng nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng" - ĐB An nói.
Để làm được vấn đề này, ĐB An đề nghị quy định cụ thể 2 vấn đề: Minh bạch thông tin của tất cả cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỉ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của TCTD trên một mức cụ thể. Bên cạnh đó, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo để làm sao xử lý triệt để. Theo Thống đốc, để làm được việc này phải có một loạt giải pháp mới xử lý được, mà trước tiên là trong luật này phải có các quy định.
"Ta quy định 5% cổ phần nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc thao túng này cũng không thể xử lý được. Cho nên, cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ mà chỗ này đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương" - Thống đốc NHNN nói.
Hôm nay (24-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban TVQH thấy rằng đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các TCTD, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội... Vì vậy, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, QH xem xét chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp sau. |
Quốc hội thống nhất chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 6 và chuyển sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội
Nguồn: [Link nguồn]