Phải cách chức người ra văn bản "trên trời"

"Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân", ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho biết về hiện tượng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật 'trên trời' được ban hành thời gian qua.

Văn bản sai là dễ hiểu vì ngồi trên mây, trên gió

PV:
- Thời gian qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành nhưng đã vấp phải sự phản ứng của dư luận như: Nghị định quy định xe chính chủ, Thông tư quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng, Nghị định quy định tổ chức tang ma cho CBCC-VC... có văn bản đã bị tuýt còi phải dừng, hoặc hủy bỏ một phần, theo ông việc đó đang phản ánh điều gì?

Ông Nguyễn Đình Quyền:
Các VBQPPL đã ban hành mà gây ra phản ứng trong dư luận điều đó chứng quy trình ban hành văn bản đó không kỹ. Luật ban hành VBQPPL không đòi hỏi phải cao siêu nhưng phải làm đúng quy trình pháp luật quy định.

Chắc chắn các cơ quan quản lý khi ban hành VBQPPL chưa làm đúng, nên mới có chuyện ban hành VBQPPL mà không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với một số quy định của Luật ban hành VBQPPL.

Hiện nay, công tác giám sát VBQPPL cấp địa phương được giao cho 4 bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ và các Ủy ban Quốc Hội. Nhưng công tác đó còn yếu, không hiệu quả. Dẫn đến hàng loạt những văn bản ra đời mà không nhận được sự ủng hộ từ người dân. Đó là một bất cập, là lỗ hổng trong công tác quản lý.

Để những người không có trình độ, chuyên môn cũng tham mưu. Ngồi trên mây, trên gió hoạch định văn bản thì làm sao luật đi vào cuộc sống được. Việc ra đời một cái văn bản như vậy là dễ hiểu thôi.

Phải cách chức người ra văn bản "trên trời" - 1

Ông Nguyễn Đình Quyền -`1 Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội

PV: Những VBQPPL được ban hành đã thừa nhận sai; tạm ngừng vẫn chậm sửa; không hợp lý nhưng im lặng... coi như sự đã rồi. Theo Luật ban hành văn bản pháp luật phải xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Trong nhà nước pháp quyền mà đặc biệt là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không thể có việc sai mà không sửa. Bản án sai của Thẩm phán Hội đồng xét xử (cơ quan cao nhất của pháp luật VN) còn có cơ chế để sửa cơ mà!
``
Việc sửa nó thế nào Luật đã quy định hết rồi. Trong luật tổ chức HĐND, UBND, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức QH, Luật hoạt động giám sát QH đều quy định các thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, hủy bỏ, bãi bỏ... đã có tất cả các thẩm quyền đó rồi.

Các cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước phải tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để kiểm tra văn bản sai. Đối với những văn bản đúng nhưng không phù hợp thì cơ quan ban hành phải khảo sát lại, hủy bỏ hoặc ban hành lại.

Trong trường hợp cố tình ban hành thì Ủy ban Quốc Hội phải yêu cầu làm lại.

Phải cách chức

PV: Cụ thể đối với quy định bán thịt trong vòn 8 tiếng của Bộ NN&PTNT đã đứng ra nhận trách nhiệm kiểm điểm, văn bản của bộ VHTT-DL bị tuýt còi, nhiều văn bản khác rơi vào im lặng. Dường như việc quy trách nhiệm cá nhân vẫn đang bị bỏ ngỏ, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Những văn bản bị thu hồi, hủy bỏ chưa chắc nó đã trái với văn bản của Quốc Hội, của Nghị quyết QH mà có khi nó chỉ là không phù hợp.

Trong trường hợp đó, sẽ bị xem xét trách nhiệm khi ban hành: Ban hành chưa cẩn thận, chưa xem xét thì chỉ tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn trong trường hợp ban hành trái thì mới phải quy trách nhiệm.

Đối với quy định thịt 8 tiếng, Bộ NN&PTNT đã đứng ra nhận kiểm điểm đó là trái luật và rõ ràng phải xử lý. Người có thẩm quyền ban hành phải đứng ra chịu trách nhiệm, cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT. Nếu xác định được mức độ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho đời sống, kinh tế người dân thì phải cách chức, bồi thường cho dân.

Tuy nhiên, trong Luật bồi thường Nhà nước mới chỉ chú trọng đến những trường hợp cá biệt như quyết định của tòa án, xử oan sai chứ chưa có quy định bồi thường, khắc phục hậu quả đối với Luật hành chính. VBQPPL nếu sai chỉ cần hủy và khắc phục thôi.

Phải cách chức người ra văn bản "trên trời" - 2

Quy định thịt bán trong vòng 8 tiếng bị hủy bỏ vì không khả thi

Hơn nữa, để xác định bồi thường, khắc phục hậu quả phải dựa vào luật nhân quả, tuy nhiên việc xác định thiệt hại với cả hàng triệu người dân là không thể làm được. Nên không đặt vấn đề bồi thường đối với VBQPPL.

PV: - Theo Luật cán bộ, công chức quy định: Không hoàn thành trách nhiệm công chức, hình thức xử phạt có thể là khiển trách, kỷ luật, buộc thôi việc nếu phát hiện trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng có thể xét thêm trách nhiệm hình sự. Vậy trước việc hàng loạt VBQQPL được ban hành lại thu hồi, hủy bỏ, sửa đổi thì trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra của UBTP được thể hiện như thế nào? Có thể coi là không hoàn thành trách nhiệm được không?

Ông Ngô Đình Quyền: Thực ra mà nói, khi ban hành một VBQPPL thì phải chịu rất nhiều công đoạn từ các cấp tham mưu đến các cấp có thẩm quyền quy định, thẩm định văn bản, xem xét ban hành cả một chuỗi như vậy thì xác định trách nhiệm chính là người ký ban hành văn bản. Sau đó mới quy trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền tham mưu.

NĐ của Chính phủ thì tập thể Chính phủ phải chịu trách nhiệm. QĐ của Thủ tướng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Thông tư của các Bộ thì các Bộ phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, chịu trách nhiệm về việc ban hành một VBQPPL sai thì thường xem xét dưới góc độ công vụ như quan liêu, thiếu sâu xát, thiếu trách nhiệm. Chứ không được xem là cố ý làm trái như các quyết định mang tính chất cá thể khác.

Thực tế hiện nay, việc quy trách nhiệm đến cùng với những văn bản sai, không thực thi cũng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.

Cần một Luật công vụ

PV: - Ban hành sai chỉ cần thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà không ai phải chịu trách nhiệm, dân lãnh hậu quả, đó có phải nguyên nhân của sự ra đời hàng loạt những văn bản không khả thi, không thể thực hiện được, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Đúng, bởi ban hành sai cũng không làm sao. Rõ ràng việc đó vẫn sẽ diễn ra. Nếu làm sai cắt chức luôn, chuyển công tác thì sẽ ngăn chặn được việc ban hành sai. Tuy nhiên, hiện nay thì hầu như huề cả làng.

Trong trường hợp phát hiện thiếu trách nhiệm, mà là thiếu trách nhiệm với hàng triệu con người như vậy phải kiểm tra, thanh tra, giám sát công minh thì mới hạn chế được.

Nếu cứ để các cấp có thẩm quyền thích ban hành kiểu gì thì ban hành không tuân thủ luật không tuân thủ thực tiễn, không tôn trọng chính người dân xong cuối cùng ai cũng chả làm sao thì đương nhiên việc đó vẫn sẽ tiếp tục sẽ xảy ra.

Nguyên nhân là chúng ta đang thiếu một Luật công vụ. Như hiện nay, cấp trên đổ cho cấp dưới, tướng đổ cho quân mới dẫn đến việc quy trách nhiệm không rõ ràng.

PV: - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ, lo ngại trước hàng loạt văn bản ban hành mà "đắp chiếu" khiến dân coi nhẹ Văn bản quy phạm pháp luật và nghi ngờ năng lực quản lý nhà nước, gây tiêu tốn thời gian, lãng phí tiền của. UBTP với nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp, đặc biệt là giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng ông đã có những đề xuất, giải pháp gì để giúp Chính phủ chống lãng phí, hao tốn tiền của, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Một VBQPPL khi được ban hành nó có tác động tới hàng triệu, hàng ngàn con người. Nếu văn bản ban hành sai hoặc không phù hợp với thực tiễn thì dẫn đến những tai hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế và đối với cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, UBTP chỉ có trách nhiệm thẩm định giám sát toàn bộ những VBQPPL về lĩnh vực tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án và lĩnh vực phòng chống tham nhũng chứ không thẩm định, giám sát VBQPPL thuộc lĩnh vực hành chính.

Trên thực tế, UBTP đã tuýt còi những văn bản của Bộ tư pháp, Bộ công an. Nhưng quản lý văn bản tư pháp thì rất khó, nó phải xuất phát từ những vụ việc thực tế mới phát hiện ra có mâu thuẫn, chồng chéo hay không. Tôi cũng thừa nhận, UBTP chưa làm được nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc thống kê văn bản là chủ yếu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Vũ (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN