Phá gần 400ha rừng... không nhằm lấy gỗ?
Thông tin gần 400ha rừng tự nhiên tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) bị phá trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng chậm phát hiện, ngăn chặn đã đặt ra câu hỏi trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Một góc rừng bị phá
Chủ rừng nói gì?
Men theo con đường đất gập ghềnh, ngoằn ngoèo gần 50 cây số từ trung tâm xã Ya Tờ Mốt, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ phá gần 400ha rừng tự nhiên gây xôn xao dư luận những ngày qua. Từ bìa rừng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh cây gỗ nằm la liệt kéo dài xa tít. Cây nhỏ, cây lớn bị “trảm” đổ gục bên gốc; có nơi cành lá chưa kịp khô héo. Theo nhận định bước đầu của cơ quan chức năng, thủ phạm phá rừng không nhằm mục đích lấy gỗ.
Sáng 12/4, các lực lượng công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm… và các đơn vị liên quan tiếp tục đo đếm, xác minh khối lượng gỗ bị thiệt hại. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Trưởng Công an huyện Ea Súp cũng có mặt tại hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn này.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, rừng bị phá thuộc Tiểu khu 222 và 205 với hơn 382ha rừng tự nhiên, trữ lượng gỗ bình quân 10,77m3/ha, do UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý (tức chủ rừng) từ năm 2020 đến nay.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép Cty TNHH Đất Vàng Ban Mê khảo sát lập dự án “Trồng rừng kết hợp phát triển nông-lâm nghiệp” tại Tiểu khu 205. Trong lúc Cty này đang khảo sát lập dự án thì phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng trên.
Ông Vũ Văn Quảng- Phó chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt cho hay, địa phương không có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Khi nhận nhiệm vụ bảo vệ khu rừng trên, UBND xã đã thành lập Đội bảo vệ rừng gồm công an xã, địa chính… Do lực lượng kiêm nhiệm, rừng lại xa trung tâm khiến công tác tuần tra, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thủ phạm phá rừng thường hoạt động lén lút vào ban đêm.
“Năm 2021, chúng tôi phát hiện, phá bỏ 3 lán trại dựng trong rừng. Năm 2022, chúng tôi nhận được tin báo có người mang xe máy cày vào rừng liền đi kiểm tra nhưng đến nơi họ đã rời đi. Không có chuyện chúng tôi nhận tin có tiếng cưa nổ trong rừng nhưng không đi kiểm tra. Thời gian qua, nhiều cán bộ bị mắc COVID-19 ảnh hưởng đến công tác tuần tra, bảo vệ rừng”, ông Quảng nói.
Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, khi nắm thông tin vụ phá rừng nghiêm trọng, chính quyền đã lập đoàn kiểm tra, giao một Phó chủ tịch huyện phụ trách túc trực hiện trường, phối hợp các đơn vị liên quan điều tra. Theo ông Nhiệm, rừng đã giao cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý nhưng để bị phá, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng. UBND huyện Ea Súp đang xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, theo vị này, cần chờ kết quả đo đạc, kiểm đếm, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của cơ quan chức năng để làm căn cứ xử lý. Bởi, trước năm 2020, diện tích rừng trên được giao cho nhóm hộ gia đình quản lý, bảo vệ nhưng không hiệu quả. Sau đó, UBND huyện Ea Súp thu hồi, giao UBND xã Ya Tờ Mốt.
“Khi có số liệu chính xác diện tích rừng bị suy giảm trong từng thời điểm, chính quyền sẽ căn cứ xử lý trách nhiệm từng cá nhân, tập thể liên quan”, ông Nhiệm cho hay.
Ông Nguyễn Thiên Văn- Bí thư Huyện ủy Ea Súp cho biết, địa phương đang tập trung lực lượng, phối hợp các đơn vị liên quan của tỉnh, trung ương kiểm đếm, xác minh diện tích rừng bị phá; điều tra, truy tìm thủ phạm phá rừng. Huyện ủy cũng chỉ đạo UBND huyện làm rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân để rừng bị phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, xác định thủ phạm phá rừng; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng cử cán bộ Đội Kiểm lâm đặc nhiệm phối hợp kiểm tra, xác minh vụ phá rừng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Khu vực thuộc diện rừng bảo tồn, do xã quản lý, hằng năm huyện trích kinh phí để chăm sóc nhưng trước hiện tượng có một số cây chết khô, xã đã sốt sắng xin ý kiến để...