Phá dỡ 8B Lê Trực: Vào thế khó, Hà Nội nhờ trợ giúp từ Bộ Xây dựng
Sau khi bị Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST từ chối tham gia lập thiết kế phương án tháo dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực, UBND Thành phố có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hướng dẫn lập phương án.
UBND Thành phố Hà Nội có văn bản trả lời cử tri huyện Hoài Đức về đề nghị thành phố xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội đã thống kê lại quá trình xử lý sai phạm tại công trình nói trên. Điều đáng nói, ngày 9/5, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế lập phương án tháo dỡ theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, ngày 15/5, Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST có văn bản gửi UBND quận Ba Đình từ chối tham gia lập thiết kế phương án tháo dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm.
Trước sự việc trên, UBND quận Ba Đình đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố, Sở Xây dựng; đồng thời có văn bản gửi Bộ Xây dựng để tiếp tục chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2.
Tiếp đó, ngày 2/8, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị tư vấn của Bộ lập phương án tháo dỡ giai đoạn 2 trên cơ sở hồ sơ hiện có và khảo sát kiểm định.
Trong giai đoạn chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý, UBND quận Ba Đình tiếp tục chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ (trường hợp cần thiết sẽ đăng tải công bố công khai thông tin để mời đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập phương án phá dỡ theo quy định); ứng tiền từ ngân sách quận để triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán, nộp đủ số tiền tháo dỡ đã ứng trước.
Trước đó, trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm về xử lý công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ cương quyết cưỡng chế phần vi phạm của công trình.
Theo ông Chung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố đã giao thanh tra chỉ ra những vi phạm đồng thời xử lý cán bộ các cấp liên quan. "Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè", ông Chung nói.
Theo lãnh đạo thành phố việc cưỡng chế đã xong tầng 19. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng nếu cắt tầng 17, 18 sẽ không an toàn nên thành phố đang chỉ đạo đơn vị liên quan trưng cầu giám định. "Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng, còn chủ đầu tư rất cùn", ông Chung nói.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết thêm, chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực còn có ba công trình khác trên địa bàn thành phố tại số 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh. Công trình nào cũng có sai phạm. Thành phố quyết định chuyển hồ sơ của ba dự án ở Cầu Giấy, Trường Chinh và Lê Trực sang công an điều tra theo luật hình sự.
Về lịch sử xử lý vi phạm tại tòa nhà này, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần có văn bản về việc xử lý sai phạm từ năm 2015 đến 2018. Thực hiện các chỉ đạo này, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc xử lý nhưng tiến độ rất chậm.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian qua, các cơ quan chức năng nại lý do chưa thống nhất phương án xử lý vì lý do an toàn khi phá dỡ.