"Nữ tư lệnh hồi sức" BV Chợ Rẫy: “Không có ngày lễ vì bệnh nhân đang chờ"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bà Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là “chị Hai” hay “nữ tư lệnh hồi sức".

Với tư cách là thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước, PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua.

Bà là 1 trong 10 cá nhân vừa vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 đợt này

PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 đợt này

“Thành tích cá nhân nhưng ghi nhận là cả tập thể”

Là 1 trong 10 cá nhân được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021, cảm xúc của bà thế nào?

Khi đón nhận thông tin mình nằm trong danh sách 10 phụ nữ Việt Nam được vinh danh năm nay, tôi cảm thấy rất vui. Bản thân tôi cũng thấy đóng góp của mình cho sự nghiệp y học, với tư cách là một nhà khoa học nữ, một nữ bác sĩ đã được ghi nhận, thực sự tôi cảm thấy đây là niềm hạnh phúc lớn.

Các đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ, khi thấy tôi nằm trong danh sách, họ cũng cảm thấy vui như có chính mình ở trong đó.

Thật sự, đó không chỉ là sự ghi nhận với riêng cá nhân tôi, mà đó còn là sự ghi nhận đối với các đồng nghiệp của tôi nữa!

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội và kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; đồng thời trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021. Năm nay, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vinh danh 6 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu trên cả nước. PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận giải thưởng này. Ngoài những đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua, trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo đóng vai trò là “người tiên phong”, thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Bà được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là “chị Hai” hay “nữ tư lệnh hồi sức”…

Trong buổi lễ vinh danh vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có chia sẻ rằng: “Đây là những phụ nữ hết sức bình thường nhưng làm những điều tốt đẹp cho sự nghiệp của đất nuớc”.

Tôi nghĩ bấy nhiêu đó là đủ rồi, không cần gì nhiều hơn. Vì tôi cũng giống như bao phụ nữ bình thường khác thôi.

Và tôi tự nhủ mình sẽ tiếp tục cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa.

Được biết, năm 2015 bà cũng đã vinh dự được trao giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ với các đề tài cấp Nhà nước về lọc máu và ghép thận trên bệnh nhân tim ngừng đập. Đặc biệt trong trận đại dịch Covid-19, đề tài khoa học của bà cũng đã được ứng dụng vào quá trình điều trị Covid-19. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Với chuyên ngành hồi sức, thường là các bệnh nhân quá nặng, tụt huyết áp, suy đa nội tạng.

Nếu lọc máu theo kiểu bình thường như trước đây chỉ có 4 tiếng hoặc 6 tiếng.

Thông thường mỗi lần rút dịch ra, bệnh nhân sẽ dễ bị tụt huyết áp và lúc này sẽ khó có cuộc lọc máu diễn ra tốt lành được. Lúc này tính mạng bệnh nhân rất nguy hiểm.

Đề tài của tôi được ứng dụng rộng rãi, cho phép lọc máu liên tục 24 giờ chứ không phải chỉ 4 hay 6 giờ, điều đó sẽ giảm những lần phải rút dịch ra, giảm rủi ro cho bệnh nhân.

Trước đây, do chúng ta chưa làm được nên nhiều bệnh nhân thậm chí phải đi nước ngoài điều trị. Nhưng hiện nay khi lọc máu liên tục, chúng ta sẽ rút ra được từ từ các độc tố khỏi cơ thể.

Cụ thể trong quá trình lọc máu liên tục chúng ta có thể lọc được các độc tố, trong đó có một số chất mà hiện nay đang ứng dụng trong điều trị Covid-19, đó là chất Cytokine.

Những người khi bị nhiễm Covid-19 sẽ dễ bị “cơn bão” mang tên Cytokine đánh gục (Khi virus Covid-19 xâm nhập cơ thể, các tế bào nhận diện virus, tiết ra các Cytokine để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động - PV).

Việc lọc máu liên tục, lọc hấp phụ, thay huyết tương và rất nhiều kỹ thuật khác tương tự như vậy đã cứu sống nhiều bệnh nhân một cách ngoạn mục.

Với một người làm khoa học, nhìn thấy chính nghiên cứu của mình đã đem lại hiệu quả cho xã hội, cộng đồng, trong đó có tác động đến kinh tế - xã hội, điều đó khiến tôi rất vui.

Hơn chục năm trước, bà cũng là một trong những người đầu tiên được cử đi học kỹ thuật ECMO tại Đức. Sau khi trở về, bà đã cùng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký triển khai kỹ thuật mới. Kỹ thuật ECMO hiện tại đang cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19. Bà có thể chia sẻ thêm về kỹ thuật ECMO ứng dụng trong điều trị bệnh hiện nay?

Với bác sĩ, khi đi học kỹ thuật mới nào, bao giờ cũng mong muốn cứu được nhiều người. Nhưng khi đi học, chúng tôi cũng biết kỹ thuật đó đã ra đời rất lâu, song người ta không thể phát triển lên được.

Từ sau năm 2010, các kỹ thuật về ECMO (tim phổi nhân tạo - PV), công nghệ về màng ECMO và nhiều máy móc xét nghiệm cũng có sự phát triển vượt bậc.

Và rõ ràng nó mang lại hiệu quả rất lớn, cứu sống được rất nhiều người, đặc biệt những bệnh nhân viêm cơ phổi, viêm cơ tim nặng mà không thể điều trị nội khoa được.

Cho nên khi đó chúng tôi đi học, cũng mong muốn sẽ về triển khai và đưa kỹ thuật đỉnh cao của chuyên ngành hồi sức, cứu sống được nhiều người hơn

Mỗi đêm trực đi bộ ít nhất 10km

PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo

PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến đầu, điều trị những bệnh nhân nặng nhất. Trong suốt trận đại dịch Covid-19 vừa qua, có bao giờ bà suy nghĩ đến những rủi ro mà mình sẽ phải gánh chịu, chẳng hạn như mình có thể trở thành F0?

Bất kỳ tình huống nào cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định. Nhưng mấy chục năm làm nghề, đây cũng đâu phải là trận chiến duy nhất.

Vì thế, tôi hiểu điều quan trọng của bác sĩ là phải tuân thủ quy trình để an toàn mới có thể tiếp tục cứu được nhiều người khác, đó là điều quan trọng hơn.

Nói gì thì nói, với cuộc chiến Covid-19 đúng là quá khủng khiếp. Tôi không thể nào quên được khi chứng kiến nữ nhân viên của mình đang mang thai bị nhiễm Covid-19.

Thực sự họ đã cống hiến quá nhiều. Có nhiều nữ đồng nghiệp, chỉ cần vừa hỏi thăm một câu đã òa khóc. Trận chiến này quá ác liệt!

Với cương vị công tác và đặc thù công việc, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, cuộc sống gia đình của bà thế nào? Người thân của bà chắc hẳn rất chia sẻ và thông cảm?

Chồng tôi là bạn học cùng lớp, cùng tổ, cùng trường từ thời sinh viên. Ra trường cả hai cùng làm bác sĩ, anh ấy cũng làm ở Khoa Cấp cứu nên hiểu và chia sẻ được công việc của tôi.

Còn hỏi người trong gia đình hai bên nội ngoại có cảm thông hay không, có lẽ chỉ cần thấy mình mệt thế nào thì cũng đã hiểu rồi. Muốn biết rõ hơn, chỉ cần vào với tôi một đêm trực thì sẽ hiểu.

Có những đêm trực, khi bước chân ra khỏi bệnh viện mở điện thoại lên thấy mình đã đi bộ được 10km, nhưng đó cũng là bình thường.

Có lẽ vì thế nên mọi việc trong gia đình nội ngoại tôi cũng thấy dễ dàng. Tuy nhiên, con cái có cha mẹ trong ngành y sẽ thiệt thòi hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Dẫu vậy, tôi sẽ nói cho con hiểu, vì sao lại như thế và làm sao để có thể có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, trong đó mọi thành viên đều thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông.

Bản thân là phụ nữ, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, mấy chục năm qua hầu như dịp lễ 8/3 hay 20/10 nào cũng ít được ở bên gia đình.

Bởi lẽ, công việc đòi hỏi chúng tôi phải như vậy. Các bệnh nhân cần ghép thận, ghép gan, lọc máu... đang cần chúng tôi.

Cảm ơn bà!

Tạo nên kỳ tích ở Việt Nam

Là một trong những người đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy được cử qua Bệnh viện ĐH Regensburg - Cộng hòa Liên bang Đức học kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy màng ngoài cơ thể), từ hơn 10 năm trước, bác sĩ Thảo đã cùng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đưa kỹ thuật cao này vào hoạt động thường quy trong chuyên ngành. Và ECMO đã cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.

Tên tuổi của PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo còn được gắn với đề tài nghiên cứu: “Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp”, từng tạo nên kỳ tích tại Việt Nam.

Ngoài ra, bà còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết…

TP HCM: Bệnh viện dã chiến Covid-19 đầu tiên hết bệnh nhân, sắp giải thể

Theo Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 đặt tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN