Pakistan: Nắng nóng “thiêu” chết 1000 người
Nhiều người dân ở tỉnh Karachi đã phải sống như “trong địa ngục” khi liên tiếp bị cắt điện và mất nước trong điều kiện trời nắng nóng oi bức.
Ngày 25.6, chính phủ Pakistan đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận vì đã thiếu chuẩn bị và đối phó kịp thời với đợt nắng nóng kinh hoàng vừa hoành hành khắp miền nam nước này, khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng.
Tại nghị trường Quốc hội, các nghị sĩ đảng đối lập đã kịch liệt chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif vì tình trạng mất điện, mất nước liên tục ở khu vực trên, khiến cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
Theo thống kê của nhà chức trách Pakistan, đợt nắng nóng khủng khiếp vừa qua đã khiến hơn 1000 người thiệt mạng vì bị say nắng và kiệt sức, trong đó phần lớn là người già và người nghèo, những đối tượng không có điều kiện sử dụng máy điều hòa.
Nhiều người dân ở Karachi đã phải sống như “trong địa ngục” khi liên tiếp bị cắt điện và mất nước khiến họ gần như không thể chống chọi được với nắng nóng oi bức.
Tình hình nghiêm trọng đến mức vào hôm qua, chính phủ Pakistan đã tuyên bố cho người dân nghỉ lễ để họ có thể ở trong nhà và không phải đi làm dưới trời nắng nóng. Dù một số khu vực ở miền nam nước này bắt đầu đón nhận một đợt không khí mát mẻ hơn, nhưng vẫn còn hàng ngàn người phải điều trị trong bệnh viện vì các triệu chứng liên quan đến nắng nóng.
Quân đội và lực lượng bán vũ trang Ranger của Pakistan cũng đã phải tham gia vào chiến dịch chống nắng nóng, dựng lên các trại nghỉ dưỡng cho những người bị say nắng, trong khi các tổ chức phi chính phủ và tình nguyện viên phân phát nước uống, thuốc men cho người dân bên ngoài các bệnh viện.
Ông Anwar Kazmi, người phát ngôn tổ chức từ thiện Edhi cho biết: “Giờ thì mọi việc đã tốt hơn. Hôm nay chúng tôi có 58 người chết, ít hơn nhiều so với 300 người chết vì nắng nóng chỉ trong ngày hôm qua”.
Ông Mohammad Asif, Bộ trưởng Nước và Năng lượng Pakistan thì cho rằng chính phủ không phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Karachi, một trong những yếu tố khiến tình hình càng thêm trầm trọng.
Ông Asif tìm cách phân bua: “Chính phủ liên bang không phải chịu trách nhiệm với tình trạng thiếu nước ở Karachi. Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhưng thật không đúng khi mọi người cứ đổ lỗi cho chúng tôi vì tất cả mọi thứ”.