Pakistan: Động đất mạnh tạo thành đảo mới
Một hòn đảo đột nhiên xuất hiện ngoài khơi bờ biển Pakistan sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter.
Sáng sớm ngày 24/9, một trận động đất mạnh 7,7 độ đã làm rung chuyển khu vực vùng núi phía tây Pakistan khiến 93 người thiệt mạng, đồng thời tạo ra một hòn đảo mới nhô hẳn lên khỏi mặt biển ngoài khơi Gwadar. Nhà chức trách Ấn Độ cho biết hòn đảo này cao khoảng 9 m và dài 100 m.
Các bô lão trong thị trấn duyên hải này cho biết họ đã từng chứng kiến hiện tượng này vào năm 1968, khi một trận động đất đã sản sinh ra một hòn đảo ngoài biển và tồn tại suốt 1 năm rồi biến mất.
Hòn đảo mới được hình thành ngoài khơi bờ biển Pakistan
Các nhà nghiên cứu địa chấn cho rằng hòn đảo mới xuất hiện này chỉ là một kết cấu tạm thời, kết quả của hiện tượng “núi lửa bùn”, nghĩa là một dòng hỗn hợp bùn, cát và nước từ dưới đáy biển bị trận động đất ép dồn lại tạo thành đảo.
Nhà nghiên cứu John Armbruster tại Phòng nghiên cứu địa chất Lamont Doherty tại Đại học Columbia cho biết: “Các lớp cát dưới đáy biển bị chấn động, bị khuấy lên và nén lại. Các lớp cát bị ép và nén dưới đáy biển và bị đùn lên, mang theo bùn đất để tạo thành đảo.”
Hiện tượng những hòn đảo đột nhiên xuất hiện như thế này thường diễn ra sau những trận động đất mạnh từ 7-8 độ vì các chất trầm tích mềm rất dễ phản ứng với các chấn động mạnh như thế này.
Dân Pakistan đổ ra đường trong trận động đất
Trong những năm 1940, một hòn đảo kích thước khá lớn cũng xuất hiện trên vùng biển này, nhưng nó không tồn tại được lâu. Sau một trận động đất xảy ra ở gần Karachi, nhà chức trách ghi nhận được một hòn đảo mới “lớn đến mức người ta có thể đi thuyền đến và đi lại trên đó. Tuy nhiên chỉ trong vài tuần nó bị nước cuốn đi.”
Hiện cơ quan địa chất của Mỹ cũng đang nghiên cứu hòn đảo mới được hình thành này, tuy nhiên họ vẫn chưa đưa ra thông tin xác thực nào. Nhà nghiên cứu Paul Earle cho biết hòn đảo này không phải do đất đá tạo thành mà chỉ là hiệu ứng phụ của việc dịch chuyển trầm tích.