Ông Vũ Huy Hoàng: Về hưu vẫn bị cách chức

Sự kiện: Thời sự

Cách chức với chức vụ mà một đảng viên từng nắm giữ ở thời điểm có vi phạm, khuyết điểm có thể coi là chế tài về mặt chính trị với người vi phạm.

Chiều 3-11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, bỏ phiếu kín, thống nhất rất cao với 100% phiếu, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Đồng thời kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Ban Cán sự với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Các sai phạm được công bố

Các hình thức kỷ luật nói trên được Ban Bí thư thảo luận, ra quyết định trên cơ sở kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với tập thể BCSĐ Bộ Công Thương và Bí thư Ban Cán sự Vũ Huy Hoàng trong thời gian 2011-2013.

Theo đó, tổ chức đảng này đã buông lỏng lãnh đạo-chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Trong một số trường hợp đã có việc làm sai nguyên tắc, sai quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền. BCSĐ đã thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - là đơn vị đến nay được xác định có thua lỗ lớn, liên quan đến vụ án hình sự mà bị can Trịnh Xuân Thanh nguyên là lãnh đạo đang bỏ trốn, bị truy nã… Các vi phạm, khuyết điểm này được kết luận là gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Vũ Huy Hoàng được kết luận phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng mà ông là người đứng đầu. Ngoài ra, cá nhân ông Hoàng thiếu gương mẫu, vụ lợi trong tiếp nhận, bổ nhiệm con trai làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, rồi điều động, đề cử tham gia HĐQT, phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…

Ông Vũ Huy Hoàng: Về hưu vẫn bị cách chức - 1

Ông Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức. Ảnh: Internet

Cách chức vụ từng đảm nhiệm, ý nghĩa thế nào?

Điều đáng chú ý trong quyết định kỷ luật này là hình thức kỷ luật cách chức bí thư BCSĐ giai đoạn 2011-2016 với ông Vũ Huy Hoàng, dù tại thời điểm này chức vụ đó đã được chuyển giao cho bộ trưởng mới của Bộ Công Thương. Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, để tìm hiểu. Ông Nên khẳng định: “Hình thức kỷ luật này đã được Ban Bí thư thảo luận kỹ, hoàn toàn đúng theo các quy định của Đảng”.

Theo ông Nên, cách chức với chức vụ mà một đảng viên từng nắm giữ ở thời điểm có vi phạm, khuyết điểm có ý nghĩa chính trị với chính người đó. Đây có thể coi là chế tài về mặt chính trị với người vi phạm. Như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, sẽ không còn danh xưng “nguyên bí thư BCSĐ Bộ Công Thương” nữa. Ngoài ra, khi bị cách chức thì người đó sẽ bị tước các quyền lợi vật chất, tinh thần khác gắn với chức danh mình từng nắm giữ, nếu có.

Một lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội băn khoăn về hình thức kỷ luật hành chính với ông Vũ Huy Hoàng. Bởi theo pháp luật hiện hành, kỷ luật hành chính trong công vụ thường chỉ được áp dụng với người đang giữ công vụ, đang công tác trong tổ chức, cơ quan nhà nước. “Trách nhiệm hình sự thì không buông tha ai cả, dù người đó đã nghỉ hưu. Nhưng trách nhiệm hành chính với các sai phạm ở mức độ hành chính với người đã thôi chức vụ đó, đã nghỉ hưu thì e là đang có khoảng trống pháp luật” - vị lãnh đạo này chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nên cho biết Ban Bí thư đã thảo luận kỹ. “Tinh thần là xử lý đúng theo quy định pháp luật. Nhưng nếu pháp luật có khe hở, chưa chặt chẽ thì tới đây cũng cần xem xét nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung” - ông Nên nói.

Bình luận về quyết định kỷ luật này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng không có gì lạ thường. “Công tác kiểm tra, kỷ luật đảng lâu nay vẫn áp dụng với các tổ chức đảng, đảng viên, bất kể họ đang đương chức hay chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Nhưng vì chưa chú trọng tuyên truyền nên người dân không hiểu” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VI, Bộ Chính trị từng triệu tập một vị phó thủ tướng (lúc đó đã nghỉ hưu) để xem xét trách nhiệm khi ông còn là bộ trưởng. Trong vụ án Năm Cam, Thường vụ Thành ủy TP.HCM thời điểm xảy ra vụ việc cũng bị đưa ra kiểm điểm, chịu kỷ luật khiển trách cho dù nhiều ủy viên thường vụ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

“Việc xử lý kỷ luật về hành chính với ông Vũ Huy Hoàng tới đây có thể xuất hiện những vướng mắc pháp lý. Điều đó cho thấy chiếc lồng cơ chế để kiểm soát quyền lực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra cần tiếp tục hoàn thiện. Nan sắt còn thiếu hoặc thưa quá cũng là bình thường và tới đây Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung quy định, pháp luật cho chặt chẽ hơn. Đây cũng là một phần các giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 vừa ban hành đã đặt ra” - ông Hùng bình luận.

Ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc PVTex, xin đi nước ngoài chữa bệnh

Theo một nguồn tin, ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex - chủ đầu tư dự án xơ sợi Đình Vũ) và hiện là thành viên HĐTV Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), đã không đến cơ quan nhiều ngày nay.

Chiều 3-11, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến trụ sở Vinachem để tìm hiểu thông tin liên quan đến ông Duy. Một cán bộ xác nhận ông Duy không đến cơ quan nhiều tuần nay và đã có đơn xin phép nghỉ ốm, đi nước ngoài chữa bệnh. Tuy nhiên, đơn của ông Duy chưa được lãnh đạo Vinachem chấp thuận. Sau khi liên hệ với ông Duy không được, ngày 2-11, Vinachem có công văn báo cáo Bộ Công Thương về việc này. Trong văn bản trả lời, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. Lãnh đạo Vinachem phải triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ông Vũ Đình Duy từng là tổng giám đốc PVTex, sau đó được cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng điều động về làm thành viên HĐTV Vinachem.

TRÀ PHƯƠNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghĩa Nhân (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN