Ông Võ Kim Cự còn đủ sức khỏe lãnh đạo Liên minh HTXVN?
Ông Võ Kim Cự xin thôi ĐBQH vì lý do sức khỏe, liệu ông còn đủ sức khỏe lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam?
Việc ông Võ Kim Cự xin thôi ĐBQH không làm ai bất ngờ
Việc ông Võ Kim Cự gửi đơn xin thôi đại biểu Quốc hội vào thời điểm này không làm ai bất ngờ, bởi cách đây 4 hôm, ông Cự đã bị Ban Bí thư kỷ luật cách hết mọi chức vụ trước đây.
Trước khi bị kỷ luật, khả năng xem xét tư cách đại biểu của ông Võ Kim Cự cũng đã được những người có trách nhiệm ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên tiếng xác nhận.
Giả sử nếu không bị kỷ luật, liệu ông Cự có làm đơn? Đây chính là điều không khiến ai bất ngờ khi ông gửi đơn xin thôi đại biểu Quốc hội. Nó chỉ bất ngờ nếu ông Cự làm việc này ngay khi vi phạm của Formosa được phát hiện, hay chí ít là sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng về việc Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế- xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng vạn người dân miền Trung.
Trong đơn xin thôi đại biểu Quốc hội, ông Cự nêu lý do là sức khỏe không đảm bảo. Điều này khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: vậy ông Cự có còn đủ sức khỏe để lãnh đạo Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, nơi có 11.160 hợp tác xã tại 63 tỉnh, thành tham gia thành viên Liên minh? (ông Cự hiện là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam).
Bởi lẽ, nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội thuộc diện không chuyên trách như ông Cự là không phải quá nặng nề, khi mỗi năm tham dự 2 kỳ họp Quốc hội, trước và sau kỳ họp có 1-2 cuộc tiếp xúc cử tri. Với một khối lượng công việc như vậy, ông Cự còn không đủ sức khỏe để đảm đương, thì dư luận có cơ sở để nghi ngại điều đó sẽ ảnh hưởng tới việc chỉ đạo, điều hành hoạt động ở Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, nơi mà khối lượng công việc phải giải quyết chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với nhiệm vụ của một ĐBQH kiêm nhiệm.
Kết luận 56 của Bộ Chính trị năm 2012 "Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" nêu rõ, phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn đòi hỏi phải kiên trì.
Một trong những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới được xác định là "Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên cơ sở củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện của hợp tác xã và các nhiệm vụ được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012".
Như vậy, với sức khỏe không đảm bảo, liệu ông Võ Kim Cự có đủ khả năng để tiếp tục gánh vác trọng trách lớn lao và hết sức khó khăn trên cương vị Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam?
"Cho thôi ĐBQ" hay phải bãi nhiệm? Trao đổi với Báo Giao thông, TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, ĐBQH có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác. Tuy nhiên, theo ông Quyền, ông Cự vừa bị Ban Bí thư kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Vì vậy, nếu liên quan đến kỷ luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội không thể cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH một cách đơn giản. "Mỗi ĐBQH đều do hàng trăm nghìn cử tri bầu ra, khi một người muốn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có lý do chính đáng. Anh có quyền nhưng cũng phải gắn với trách nhiệm của người đại biểu, không thể thích thì ở, không thích thì xin thôi", ông Quyền nói và nhấn mạnh thêm, muốn thôi làm nhiệm vụ ĐBQH phải có những lý do rất chính đáng thì mới được xem xét chấp thuận. Còn trong trường hợp cơ quan chức năng thấy một người có vi phạm thì không thể cho người này thôi nhiệm vụ, sẽ buộc họ tiếp tục làm ĐBQH cho đến khi Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH của người đó. |
Nguyên Bí thư, nguyên CT Hà Tĩnh Võ Kim Cự trả lời báo chí về dự án Formosa - “đứa” con đẻ của ông.