Ông Trịnh Văn Quyết kéo nhiều người thân, bạn bè vào vòng lao lý

Trong số 51 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, có nhiều người thân, bạn bè của chính ông Trịnh Văn Quyết.

Anh họ, em rể, tham gia chuyển nhượng khống cổ phần

Ở kết luận trước, C01 đề nghị truy tố hai em gái ruột ông Quyết là bị can Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979, giữ vai trò thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981, kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) về tội “Thao túng chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại kết luận bổ sung lần này, C01 xác định anh họ ông Quyết là Trịnh Văn Đại (SN 1966, Phó Trưởng phòng Vật tư Công ty FLC Land) được Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (từ 4/2014 - 5/2015); Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros (từ 7/2020 - 12/2022)…

Kết quả điều tra xác định, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Faros, bị can Đại đã ký khống nghị quyết, hợp đồng, chứng từ, để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng nâng khống vốn điều lệ.

Trên danh nghĩa cá nhân, Đại đứng tên ký hợp đồng nhận chuyển nhượng khống 50.000 cổ phần của Công ty KLF tại Công ty Vĩnh Hà, với tổng giá trị 500 triệu đồng nhưng không phát sinh thanh toán để trở thành cổ đông góp vốn của Vĩnh Hà.

Theo C01, dù không có tiền nhưng theo chỉ đạo của Huế, từ 27/5 - 18/11/2015, Đại ký 20 giấy nộp tiền mặt tổng hơn 467 tỷ đồng; 14 ủy nhiệm chi tổng 460 tỷ đồng, để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền hợp thức việc góp vốn khống vào Faros, nâng khống số vốn mang tên Đại từ 500 triệu đồng lên 468 tỷ đồng.

Tương tự tại Công ty RTS, theo chỉ đạo, Đại đứng tên cổ đông góp hơn 579 tỷ đồng, rồi sáp nhập vào Công ty Faros để hợp thức tăng khống vốn điều lệ Faros từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ.

Ngoài ra, trên danh nghĩa Giám đốc Công ty Đô Thành Hà Nội và Công ty SCO, Đại dù không nhận tiền ủy thác đầu tư nhưng theo chỉ đạo, bị can vẫn ký 10 hợp đồng nhận tiền ủy thác, vay vốn khống với Faros gần 500 tỷ đồng, để hợp thức rút tiền góp ra khỏi Faros.

Theo C01, trước khi Công ty Faros được niêm yết, Đại trả lại 46,8 triệu cổ phần đứng tên mình tại Faros cho Trịnh Văn Quyết và 4 cá nhân do Huế chỉ định, bằng hình thức ký khống 5 hợp đồng chuyển nhượng, không phát sinh thanh toán.

"Hành vi trên của Trịnh Văn Đại đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Faros, sau đó niêm yết, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán", kết luận nêu.

Tại Cơ quan điều tra, Trịnh Văn Đại không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can khai, chỉ nhận lương 39 triệu đồng/tháng với vai trò là Phó Trưởng phòng Vật tư của Công ty FLC Land và 41 triệu đồng/tháng với danh nghĩa Phó Tổng Giám đốc Faros.

Trịnh Văn Quyết và em ruột Trịnh Thị Thúy Nga.

Trịnh Văn Quyết và em ruột Trịnh Thị Thúy Nga.

Giống như Đại, bị can Nguyễn Văn Mạnh (chồng Trịnh Thị Thúy Nga, em rể Quyết) bị cáo buộc được Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của Công ty An Du và Công ty Fujikaen Việt Nam.

Dù không có tiền góp vốn nhưng theo yêu cầu của Huế, trên danh nghĩa cá nhân, Mạnh đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng khống 70.000 cổ phần của Công ty KLF tại Công ty Vĩnh Hà (tức Faros sau này) nhưng không phải thanh toán tiền để trở thành cổ đông.

Trong 3 lần đầu tăng vốn của Faros, từ 28/4/2014 - 8/1/2016, Mạnh ký 49 chứng từ khống (giấy nộp tiền, rút tiền, ủy nhiệm chi) tổng hơn 1.377 tỷ đồng để Huế sử dụng làm thủ tục nộp, rút tiền, tạo dòng tiền góp vốn từ tài khoản của Mạnh vào Faros, nâng khống giá trị vốn góp đứng tên Mạnh từ 700 triệu đồng lên hơn 462 tỷ đồng (tương đương 46,2 triệu cổ phần).

Sau khi góp vốn khống, theo chỉ đạo của Huế, Mạnh tiếp tục ký 16 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần khống mang tên Mạnh cho 16 cá nhân, với tổng số tiền 484 tỷ đồng.

Trên danh nghĩa Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Fujikaen Việt Nam, Mạnh ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh khống, nhận khống 405 tỷ đồng của Faros để Huế sử dụng làm căn cứ tạo dòng tiền hạch toán kế toán hợp thức việc góp vốn.

Khi Faros được niêm yết, C01 cáo buộc, Mạnh đứng tên sở hữu 20,9 triệu cổ phiếu (giá trị 209 tỷ đồng) được Huế đăng ký lưu ký vào tài khoản, sau đó sử dụng tài khoản này mua bán, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Bạn thân được chia cổ phiếu, trả lương cao

Đều là bạn thân, cùng quê với Trịnh Văn Quyết, hai bị can Nguyễn Thanh Bình (SN 1975) và Nguyễn Tiến Dũng (SN 1975), được giao giữ chức vụ tại các công ty trong hệ sinh thái của FLC.

Khi được Quyết chỉ đạo, cả hai ký các biên bản, thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Faros; ký ủy nhiệm chi, rút tiền mặt… để Trịnh Thị Minh Huế làm thủ tục sáp nhập doanh nghiệp, làm tăng vốn điều lệ Faros…

Quá trình "giúp sức" cho FLC, Nguyễn Thanh Bình được Trịnh Văn Quyết cho 66.000 cổ phiếu, bán thu lợi hơn 2,6 tỷ đồng; còn Nguyễn Tiến Dũng không được hưởng lợi ích vật chất mà hưởng lương 60 triệu/tháng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Tiến Dũng, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Khoản 4 Điều 174 BLHS 2015, với vai trò giúp sức cho ông chủ FLC.

Bộ Công an xác định ông Trần Văn Toản, giảng viên Khoa Quân chủng Phòng không - Không quân, là một trong những người có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Cư - Minh Đức ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN