Ông Trần Vĩnh Tuyến: Sai phạm ở SAGRI là… "tai nạn nghề nghiệp"
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận chủ quan trong công tác, chứ không có ý định chỉ đạo cấp dưới làm sai nguyên tắc, không vụ lợi trong vụ án thất thoát hơn 672 tỉ đồng xảy ra tại SAGRI
Chiều 10-12, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 672 tỉ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (viết tắt: SAGRI) tạm dừng ở phần xét hỏi.
Tại tòa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM) tiếp tục giải trình nhiều vấn đề xoay quanh hành vi ký quyết định chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án nhà ở (tại TP Thủ Đức, TP HCM) từ SAGRI sang Tổng Công ty Phong Phú trái luật định, gây thiệt hại hơn 672 tỉ đồng.
Gây thiệt hại nghiêm trọng, nhiều bị cáo đối mặt với án tù
Trước đó, đại diện cơ quan công tố kết luận văn bản chấp thuận chuyển nhượng dự án do bị cáo Trần Vĩnh Tuyến ký tên, ban hành chính là cơ sở để bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) cùng đồng phạm chuyển nhượng dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với cáo buộc này, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận nếu bị cáo chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ quy trình thì sẽ không có sai phạm. Bị cáo tuyệt đối tin tưởng vào nội dung tham mưu từ cấp dưới cũng như ý thức tuân thủ nguyên tắc và tiến hành công việc ở SAGRI.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận bản thân chủ quan trong công tác, chứ không có ý định chỉ đạo cấp dưới làm sai nguyên tắc, không vụ lợi. Theo bị cáo, sai phạm ở SAGRI là "tai nạn nghề nghiệp".
"Chính vì thế, hành vi bị cáo gây ra có thực sự là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn như cáo trạng kết luận hay không, bị cáo mong HĐXX xem xét lại" – cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM đề nghị.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (trái) nói sai phạm ở SAGRI là "tai nạn nghề nghiệp"
Trả lời những chất vấn liên quan đến hành vi ký tên vào văn bản sai thể thức, hình thức (quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án), cựu phó chủ tịch UBND TP HCM nói văn phòng UBND TP mới là nơi chịu trách nhiệm kiểm tra thể thức, hình thức văn bản. Với tư cách đại diện UBND TP HCM, bị cáo ký quyết định trên đúng thể thức.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục khẳng định trước khi ký quyết định chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án, bị cáo không giữ trọng trách quản lý doanh nghiệp.
Thời điểm vụ án xảy ra, bị cáo đảm nhận thay công việc của ông Lê Văn Khoa (giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP khi đó) theo phân công từ chủ tịch UBND TP HCM. Ông Khoa nghỉ phép, rồi nghỉ việc vì lý do sức khỏe.
Lúc này, bị cáo vẫn chưa biết SAGRI đề xuất phương án chuyển nhượng dự án. Mãi đến khi văn phòng UBND TP trình hồ sơ, bị cáo mới biết.
Cựu phó chủ tịch UBND TP xin liên đới chịu trách nhiệm trước sai phạm ở sở-ngành, cơ quan trực thuộc UBND TP.
Từ ngày 6-12 đến nay, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cùng 8 đồng phạm (từng là cán bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP HCM) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo Lê Tấn Hùng và bị cáo Nguyễn Thị Thúy (cựu kế toán trưởng SAGRI ) cùng ra tòa về hai tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tòa sơ thẩm xét xử tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Dư Huy Quang (cựu trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM), bị cáo Nguyễn Thị Thanh Anh (nguyên Phó giám đốc Nhân sự - Hành chính SAGRI). Cùng bị xét xử về tội "Tham ô tài sản" có 5 bị cáo từng làm việc tại một số doanh nghiệp nhà nước thời điểm xảy ra sai phạm. Ngoài ra, bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm (từng làm việc tại SAGRI) bị cáo buộc tội danh "Che giấu tội phạm". Tại tòa, đại diện VKSND TP HCM quy buộc bị cáo Lê Tấn Hùng, bị cáoTrần Vĩnh Tuyến cùng những bị cáo khác đều là cán bộ, lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm nhiệm. Nhận nhiệm vụ quản lý dự án nhà ở có diện tích gần 37.000 m2 tại quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP HCM), những người này cố ý gây ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật kinh doanh bất động sản; pháp luật về đất đai, doanh nghiệp. Cụ thể, các bị cáo mắc rất nhiều sai phạm khi tiến hành thủ tục chuyển nhượng dự án từ SAGRI sang Tổng Công ty Phong Phú, như: không thẩm định giá, không đưa ra đấu giá… Những sai phạm đó làm nhà nước thiệt hại hơn 672 tỉ đồng. Bị cáo Lê Tấn Hùng hiểu rõ muốn chuyển nhượng dự án, doanh nghiệp phải thẩm định giá, tổ chức đấu giá, biết dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án. Không chỉ vậy, bị cáo Hùng còn bàn bạc, chỉ đạo cấp dưới ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài trị giá hơn 13,3 tỉ đồng, rồi rút số tiền đó ra sử dụng. |
Nguồn: [Link nguồn]