Ông Trần Quí Thanh ra tòa

TP HCM - Sáng 23/4, ông Trần Quí Thanh và con gái lớn Trần Uyên Phương bị đưa đến tòa, vẻ tiều tụy sau một năm bị bắt.

Sáng 23/4, ông Thanh (71 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương (43 tuổi, Phó giám đốc) được đưa đến TAND TP HCM khá sớm. Riêng Trần Ngọc Bích (40 tuổi, con gái thứ hai của ông Thanh) được tại ngoại.

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh được đưa đến tòa sáng nay. Ảnh: Thanh Tùng

Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh được đưa đến tòa sáng nay. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Thanh và hai con gái bị cáo buộc ép những người vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản rồi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. Hành vi này bị cho là phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 12 đến 20 năm tù. Họ có 4 luật sư bào chữa.

Ngoài 4 bị hại là bà Đặng Thị Kim Oanh; ông Nguyễn Văn Chung; Lâm Sơn Hoàng; Nguyễn Huy Đông, tòa triệu tập 35 tổ chức, cá nhân với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan. Trong đó, ông Chung đang là bị cáo ở vụ án khác, sáng nay đã được trích xuất đến tòa; bà Oanh có đơn xin xét xử vắng mặt.

Về việc một số luật sư nộp thêm tài liệu, HĐXX cho biết sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Đại diện VKS đang công bố cáo trạng dài 27 trang. Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 25/4.

Trả lời HĐXX về nhân thân tại phần thủ tục phiên tòa, ông Thanh giọng to, rõ, cho biết trước khi bị bắt là Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, có học vị tiến sĩ.

Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích trả lời về nhân thân. Video: Thanh Tùng

Theo cáo trạng, từ 2019 đến 2020, ông Thanh cùng hai con gái thông qua môi giới đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất 3%/tháng - dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng. Ông Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản mà yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận bán lại tài sản ban đầu, thì các bị cáo đưa ra nhiều lý do để không trả lại.

Bị cáo Trần Uyên Phương. Ảnh: Thanh Tùng

Bị cáo Trần Uyên Phương. Ảnh: Thanh Tùng

Quá trình điều tra, ông Thanh cùng hai con không thừa nhận cho các bị hại vay tiền mà xác định đây chỉ là quan hệ giao dịch chuyển nhượng đất, cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai của các bị hại, chứng cứ, dữ liệu và nội dung các tin nhắn trao đổi... xác định bản chất của các giao dịch chuyển nhượng này là cho vay.

Trong vụ án này, ông Thanh bị cáo buộc chỉ đạo hai con gái thực hiện hành vi, nên là người chịu trách nhiệm chính.

Các bị cáo trước khi tòa khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng

Các bị cáo trước khi tòa khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng

Hai con gái làm theo sắp đặt của cha

Nhà chức trách xác định, ba bố con ông Thanh đã thực hiện 4 vụ chiếm đoạt tài sản, tổng trị giá hơn 1.048 tỷ đồng. Trong đó, ông Thanh chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của đại gia Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông.

Bị cáo Phương bị cáo buộc chiếm đoạt dự án Minh Thành và 35 thửa đất, tổng trị giá 595 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích đã chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành tổng giá trị 880 tỷ đồng.

Cụ thể, đầu năm 2018, ông Lâm Sơn Hoàng gặp khó khăn về tài chính nên qua môi giới, tìm đến gặp ông Thanh để vay tiền. Ông Hoàng có 4 thửa đất ở TP Thủ Đức để đảm bảo khi vay tiền. Cuối năm đó, sau nhiều lần gặp gỡ, ông chủ Tân Hiệp Phát đồng ý cho ông Hoàng vay 115 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng, khi nhận tiền sẽ cắt lãi luôn 3 tháng đầu, chậm lãi phạt 4.5%. Đồng thời, phải ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng 4 thửa đất nói trên cho Trần Uyên Phương, sau khi công chứng sang tên mới được nhận tiền vay. Do cần tiền để trả nợ, nên ông Hoàng đồng ý với điều kiện ông Thanh đưa ra.

Cơ quan công tố xác định, ông Thanh đã lợi dụng các hợp đồng chuyển nhượng có công chứng giữa bên vay với con gái và giấy thỏa thuận về việc mua lại tài sản, yêu cầu sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ người vay sang tên con gái để che giấu việc vay tiền.

Sau khi ông Hoàng chuẩn bị đủ số tiền trả nợ 154 tỷ đồng thì ông Thanh và con gái không cho chuộc lại tài sản và chiếm đoạt 4 thửa đất trị giá 195 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ đi số tiền cho bị hại vay, ông Thanh đã chiếm đoạt của ông Hoàng 80 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Ngọc Bích. Ảnh: Thanh Tùng

Bị cáo Trần Ngọc Bích. Ảnh: Thanh Tùng

Tương tự, tháng 8/2018, ông Nguyễn Văn Chung mua khu đất hơn 3.000 m2 ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, sau đó làm thủ tục để tách thành hai thửa. Đầu tháng 1/2019, khi thiếu tiền thanh toán mua đất, qua Nguyễn Phi Long (người môi giới), Chung tìm đến ông chủ Tân Hiệp Phát hỏi vay.

Theo truyền đạt của Long, Chung muốn được vay 30 tỷ đồng của ông Thanh phải làm thủ tục vay 35 tỷ, đồng thời phải làm thủ tục chuyển nhượng hai thửa đất cho ông chủ Tân Hiệp Phát.

Do chưa thanh toán hết tiền mua đất, để vay được tiền, Chung phải thuyết phục chủ cũ đứng ra ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng 2.400 m2 đất (thửa đã tách) cho bà Phương, vào đầu năm 2019. Dù thời điểm này, thửa đất có giá trị 59 tỷ đồng song trong hợp đồng chỉ ghi 11 tỷ. Sau khi ký hợp đồng, ông Thanh mới chuyển 26,5 tỷ để ông Chung lấy tiền trả nợ.

Ông Chung sau đó tiếp tục thế chấp thửa đất khác cho ông Thanh nhưng để cho Long đứng tên trên hợp đồng để được vay thêm 3,65 tỷ đồng. Tổng cộng ông nhận được nhận 30,1 tỷ, trong hợp đồng là vay 35 tỷ.

Ông Chung sau đó làm thủ tục tách thửa đất đã chuyển nhượng cho bà Uyên để vay tiền thành 29 thửa đất nhỏ. Các chi phí sang tên do ông Chung chịu, song các sổ đỏ được mang về Tân Hiệp Phát quản lý.

Tháng 3/2019, ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để trả nợ và đề nghị bên cho vay làm thủ tục sang tên lại 29 thửa đất. Tuy nhiên, ông Thanh sau đó yêu cầu Chung phải trả đủ 49 tỷ đồng thì mới cho nhận lại tài sản.

Nhà chức trách xác định, 29 thửa đất của ông Chung có giá trị 83 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ đi 35 tỷ đã giải ngân, bố con ông Thanh đã chiếm đoạt của ông Chung 48 tỷ đồng.

Chiếm đoạt hai dự án gần nghìn tỷ của đại gia

Năm 2019, đại gia Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh Đồng Nai, cần tiền để tiếp tục đầu tư dự án Minh Thành và khu dân cư Nhơn Thành ở Đồng Nai nhưng không vay được vốn ngân hàng. Thông qua người môi giới bất động sản, bà Oanh được giới thiệu đến ông Thanh để vay tiền. Sau nhiều cuộc thỏa thuận, bà Oanh đồng ý trả cho người môi giới 5% tổng giá trị hợp đồng vay vốn để được vay 500 tỷ đồng.

Trong cuộc gặp gỡ ông Thanh, bà Oanh trình bày đang thiếu tiền để trả nốt 50% cổ phần còn lại của dự án Minh Thành, mong được cho vay 500 tỷ đồng. Ông Thanh đồng ý nhưng với điều kiện phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của hai dự án Minh Thành và Nhơn Thành cho hai con gái ông.

Bà Oanh sau đó cùng hai con gái và nhiều người đến trao đổi với phía ông Thanh về các điều kiện vay. Sau khi xem xét các giấy tờ, ông Thanh đồng ý cho vay 500 tỷ đồng với điều kiện chuyển nhượng 50% cổ phần dự án Minh Thành cho Trần Uyên Phương giá 235 tỷ đồng, chủ cũ của dự án chuyển 50% còn lại cho Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỷ đồng.

Với dự án Nhơn Thành, bà Oanh phải chuyển 100% cổ phần đang sở hữu cho Trần Ngọc Bích giá 150 tỷ đồng. Lãi suất vay tiền ông Thanh đưa ra là 3% một tháng, trả trước 3 tháng một; trong 9 tháng trả đầy đủ tiền gốc và lãi sẽ được trả lại hai dự án. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi, bà Oanh sẽ mất hai dự án.

Dù biết việc này là rủi ro, song vì cần vay tiền và tin tưởng vào uy tín của ông Thanh nên bà Oanh đồng ý vay 500 tỷ đồng, theo cáo trạng. Thực hiện theo yêu cầu của ông Thanh, bà Oanh cùng người liên quan làm thủ tục chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Minh Thành và Công ty Nhơn Thành cho hai con gái ông Thanh và Công ty TCS.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng dự án Minh Thành, bà Oanh được phía ông Thanh ghi giá 350 tỷ đồng; Dự án Nhơn Thành giá 150 tỷ đồng. Tổng cộng bà Oanh được nhận 500 tỷ đồng. Sau khi được giải ngân bà Oanh phải thanh toán ngay lãi 3 tháng đầu cho hai khoản vay này lần lượt là 31,5 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Thanh. Việc chuyển tiền lãi đều dùng tiền mặt, không có biên nhận.

Ở lần trả lãi lần thứ 3, bà Oanh chậm trả lãi một ngày và bị ông Thanh cho là vi phạm thời hạn cam kết nên không cho chuộc lại hai dự án. Bà Oanh nài nỉ, xin được nộp phạt thêm 35 tỷ đồng, song không được chấp thuận.

Tháng 8/2020, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Phương, Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng (dự án Minh Thành 350 tỷ, Nhơn Thành 150 tỷ) và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án. Bà Oanh nhắn tin cho ông Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được hồi đáp.

Sau nhiều cuộc thỏa thuận bất thành, Bà Oanh có đơn tố cáo ông Thanh và hai con gái ra công an. Đến tháng 11/2023 gia đình ông Thanh đã nộp 183 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo cơ quan điều tra, tháng 11/2019, ông Thanh cho bà Oanh vay 350 tỷ đồng nhưng đến tháng 8/2020 đã chiếm đoạt dự án Minh Thành có giá trị là gần 843 tỷ đồng. Trừ đi 350 tỷ đồng đã chuyển cho bà Oanh, 65 tỷ đồng (số tiền ông Thanh trả cho ông Minh và Trang) ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt 427 tỷ đồng.

Trong vụ thứ 4, ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM có giá trị 118 tỷ đồng của ông Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân cho ông Đông mượn, ông Thanh đã chiếm đoạt của ông Đông 38 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trần Quí Thanh, chủ tịch Tân Hiệp Phát, phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Duyên ([Tên nguồn])
Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị bắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN