Ông Trần Hồng Hà: "Cao tốc Bến Lức-Long Thành trì trệ trong khi tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm!"
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe chủ đầu tư VEC báo cáo tiến độ, những vướng mắc của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trưa 13-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ GTVT thị sát dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, đoạn qua TP HCM. Phó Thủ tướng đã nghe chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) báo cáo tiến độ, những vướng mắc của dự án.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, kéo dài từ huyện Bến Lức (Long An) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), trong đó đoạn qua tỉnh Long An dài 2,7km, đoạn qua TP HCM 26,4km và qua tỉnh Đồng Nai dài 28,7km. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Dự án khi hoàn thành sẽ là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Phó Thủ tướng nghe chủ đầu tư trình bày tiến độ dự án
Ông Phạm Hồng Quang - Tổng giám đốc VEC, thông tin dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vay ADB (13.654,6 tỉ đồng), vay JICA (11.975,7 tỉ đồng), và vốn đối ứng (5.689,7 tỉ đồng). Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính với đoạn 1 phía Tây (05 gói thầu A1÷A4) sử dụng vốn vay ADB; đoạn 2 (03 gói thầu J1÷J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía Đông (03 gói thầu A5÷A7) sử dụng vốn vay ADB.
Dự án được khởi công từ tháng 7-2014, một số đoạn tuyến sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công. Từ đầu năm 2019, dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với vốn ADB phía Tây, vốn JICA và vốn đối ứng.
Do đó, dự án bị chậm tiến độ, các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh. Tổng khối lượng hiện đạt khoảng 81,66%.
"VEC đang nỗ lực xử lý hợp đồng với các nhà thầu, lựa chọn nhà thầu mới để triển khai thi công toàn bộ công trường. Thời gian hoàn thành Dự án là ngày 31-12-2023, hiện nay đang kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh thời gian thực hiện đến 30-9-2025" - đại diện VEC cho hay.
Sau khi thị sát cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng sẽ đến tỉnh Đồng Nai thị sát dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Để tháo gỡ các vướng mắc tái khởi động dự án, đại diện VEC cho rằng ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành xem xét điều chỉnh thời gian dự án thì dự án cần điều chỉnh tổng mức đầu tư còn 30.073 tỉ đồng, giảm 1.247 tỉ đồng so với mức đầu tư được duyệt. Ngoài ra cho phép VEC chủ động, cân đối các nguồn vốn hợp pháp của VEC (sau khi tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) khoảng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay để bố trí ngay nguồn vốn hoàn thành các hạng mục còn lại, vốn đối ứng của dự án.
Đồng thời, thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ (nếu có) mà nhà thầu khiếu nại thành công. Các chi phí này chỉ được thanh toán sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận và cập nhật vào tổng mức đầu tư Dự án.
Về đề xuất dùng nguồn tiền nhàn rỗi này, theo ông Quang, hiện nay các bộ ngành đều đồng ý thống nhất triển khai, tuy nhiên hiện Bộ Tài chính vẫn nói chưa phù hợp. Nếu được chấp thuận chủ trương cho VEC bố trí vốn, đầu năm 2024 đoạn phía Tây sẽ hoàn thành, tổng dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ đề ra vào tháng 9-2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm, trong khi cao tốc Bến Lức – Long Thành là công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiền nào cũng là tiền của Nhà nước và yêu cầu các bộ ngành phải rà soát, triển khai các đầu việc, không bàn đi bàn lại.
Nguồn: [Link nguồn]
UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) vừa nghiêm khắc phê bình Ủy ban Nhân dân xã Quang Lộc và Ủy ban Nhân dân xã Kim Song Trường, cùng nhiều cán bộ do để xảy ra sai phạm tại dự...