Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo việc thành lập Cty CNC dưới danh nghĩa Cty bình phong của C50. Sau đó, Cty CNC đã phối hợp cùng Cty VTC trực tuyến phát hành game đánh bạc, thu lời gần 10.000 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50 - 1

Ông Phan Văn Vĩnh được dẫn giải tới tòa sáng nay (12/11)

Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử vụ tổ chức đánh bạc trực tuyến, thu lời gần 10.000 tỷ đồng. Vụ án có số lượng người tham gia rất lớn trong đó có cả bị cáo Phan Văn Vĩnh - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nên HĐXX tiến hành làm thủ tục khai mạc trong cả buổi sáng. Giờ làm việc buổi chiều, chủ tọa tuyên bố bắt đầu phần xét hỏi, kiểm sát viên được công bố bản cáo trạng dài 235 trang.

Theo truy tố, năm 2015, Phan Sào Nam - GĐ Cty CP VTC truyền thông tới gặp Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC và thống nhất 2 cty sẽ liên kết xây dựng hệ thống đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài. Hệ thống này đã thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50 - 2

Bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC

Đáng chú ý, Cty CNC được xác định là cty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), được thành lập năm 2011 dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Phan Văn Vĩnh thời điểm này giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Cụ thể, ông Vĩnh chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng C50 thành lập Cty bình phong. Sau đó, C50 đã xin ý kiến Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an và nhận lại bút phê: “Đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ”.

Cùng lúc này, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương tới gặp Nguyễn Thanh Hóa để thống nhất xây dựng Cty CNC là Cty bình phong của C50. Trong đó, C50 có trách nhiệm đề xuất lĩnh vực kinh doanh; CNC có trách nhiệm đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của C50...., lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 80% cho CNC, 20% cho C50.

Năm 2012, bị cáo Dương đề nghị tới các ông Vĩnh, Hóa về việc cho CNC phát hành các trò chơi cờ bạc trên mạng nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất từ thực tế nhằm quản lý các hoạt động bất hợp pháp trên mạng, tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker “mũ trắng”.

Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50 - 3

Bị cáo Phan Sào Nam

Tiếp đến, Nguyễn Văn Dương thông báo CNC đã tạo cổng thanh toán trực tuyến, đề nghị C50 hỗ trợ việc đưa các game bất hợp pháp (có danh sách kèm theo) lấy cổng thanh toán của CNC làm công thanh toán duy nhất.

Ông Võ Tuấn Dũng - Trưởng phòng nghiên cứu xây dựng các Cty bình phong của C50 báo cáo đề nghị của CNC là sai nhưng ông Hóa không ngăn cản, yêu cầu cấp dưới không trả lời.

Năm 2015, sau khi thỏa thuận cùng Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương được bị cáo Phan Văn Vĩnh cho thuê số 10 Hồ Giám (Hà Nội) làm trụ sở của CNC. Theo cáo trạng, việc này tạo ra rào cản với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan khác xác minh, xử lý vi phạm của CNC.

Năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển CNC với mục tiêu chính: “Xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”. Để thực hiện, CNC cần xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm tình hình tội phạm và cũng để có nguồn thu.

Tháng 5/2016, tướng Hóa báo cáo tướng Vĩnh về việc CNC đang vận hành 2 cổng game dù không được phép. Ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới lập văn bản để mình ký, gửi Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game này nhưng không được đồng ý.

Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50 - 4

Nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa vào khu vực xét xử

Sau đó, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các ông Vĩnh, Hóa báo cáo về hoạt động của CNC nói chung và hoạt động hợp tác giữa CNC với Cty VTC liên quan 2 cổng game bài không phép.

Tuy vậy, ông Vĩnh không báo cáo theo yêu cầu, không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, xử lý. Ngược lại, ông Vĩnh tiếp tục đề nghị Bộ TT&TT hợp pháp hóa game đánh bạc của CNC.

Dù Bộ TT&TT không đồng ý nhưng tướng Vĩnh vẫn ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 2 cổng game do CNC và Cty VTC xây dựng đã được cấp giấy phép hoạt động.

Tháng 7/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương tiếp tục yêu cầu các ông Vĩnh, Hóa báo cáo về hoạt động của CNC. Lúc này, 2 bị cáo mới yêu cầu CNC dừng hợp tác với Cty VTC, chấm dứt hoạt động của 2 cổng game.

Tiếp đến, tướng Hóa đề nghị và được tướng Vĩnh đồng ý cho điều tra, xử lý các cá nhân vi phạm tại các Cty CNC và VTC. Tuy nhiên, C50 đã không xây dựng kế hoạch, không điều tra xác minh nhằm đấu tranh với các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận hành game online đổi thưởng.

Sau vài ngày dừng hoạt động, tháng 9/2016, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương thống nhất đổi tên game bài Rikvip thành Tip.clup và cho hoạt động trở lại. Nhận tin, ông Hóa không tiến hành kiểm tra, xác minh và bác các yêu cầu điều tra từ cấp dưới.

Tháng 4/2017, Nguyễn Thanh Hóa chính thức ký văn bản dừng phối hợp với Cty CNC nhưng lúc này, CNC vẫn tổ chức đánh bạc. Vụ án bị phát hiện, ông Hóa đã chỉ đạo cấp dưới soạn công văn khống, lùi thời gian về ngày 12/10/2011 để Trung tướng Phan Văn Vĩnh ký, xác nhận nhằm né tránh trách nhiệm.

Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Hóa 22 tỷ đồng; cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD; chi 10 tỷ đồng tiền rượu trong một số bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát; cho C50 đúng 850 triệu đồng...

Chùm ảnh các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ

HĐXX đã gọi các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam lên để bục khai báo để kiểm tra căn cước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Ân-Như Ý ([Tên nguồn])
Khởi tố cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN