Ông Nguyễn Văn Hiến thừa nhận sai phạm

Sự kiện: Thời sự

Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng các cựu cán bộ Quân chủng Hải quân đều thừa nhận mình đã có sai phạm như cơ quan tố tụng cáo buộc.

Ngày 18-5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) đưa tám bị cáo trong vụ án sai phạm đất đai ở ba khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM ra xét xử.

Theo cơ quan tố tụng, sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đồng phạm đã khiến QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất nói trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát hơn 939 tỉ đồng.

“Do hiểu sai ý của lãnh đạo Bộ Quốc phòng”

Trước tòa, ông Hiến cùng các cựu cán bộ QCHQ đều thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố.

Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay việc đưa ba khu đất sang làm kinh tế xuất phát từ hai lý do. Thời điểm đó TP.HCM có đề nghị chỉnh trang đô thị, bao gồm các khu đất của QCHQ. Nắm bắt được chủ trương, Công ty Hải Thành đã đề xuất với quân chủng về việc này. Ngoài ra, QCHQ cũng muốn nâng cao đời sống cho quân nhân, bởi thực tế đời sống anh em rất kham khổ.

Quá trình thực hiện, ông Hiến ký các tờ trình xin chủ trương khai thác ba khu đất gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trong đó có việc điều chỉnh vị trí đóng quân, chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang đất doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế.

HĐXX cho biết các tờ trình trên đều được lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, phê chuẩn và có chỉ đạo. Trong đó, lãnh đạo bộ nhấn mạnh việc triển khai các dự án chỉ được tiến hành khi QCHQ đã hoàn thành các thủ tục về quản lý, khai thác ba khu đất sang làm kinh tế theo đúng quy định nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới quốc phòng, không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Ông Hiến cho rằng cấp dưới đã hiểu sai ý của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, từ đó dẫn tới sự tham mưu sai, khiến ông cũng hiểu sai. Thời điểm triển khai dự án, ông chỉ nghĩ là hợp đồng liên doanh, giao khoán liên doanh chứ không phải cho thuê đất, trong hợp đồng cũng không có bất cứ từ nào là “thuê đất”.

Đáng chú ý, ông Hiến nói có được Công ty Hải Thành báo cáo về năng lực của các đối tác, bao gồm Công ty Yên Khánh. Tuy nhiên, ông không thể biết năng lực thực tế của những công ty này ra sao mà hoàn toàn tin tưởng vào Công ty Hải Thành. Đến nay, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận ra những báo cáo của Công ty Hải Thành đã khiến mình hiểu sai về năng lực của đối tác.

Bị cáo - cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến tại tòa ngày 18-5. Ảnh: A.Lúy

Bị cáo - cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến tại tòa ngày 18-5. Ảnh: A.Lúy

Út “trọc” nói mình không phạm tội

Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) cùng hai bị cáo là lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tài liệu truy tố cho thấy năm 2005, Hệ nhờ cháu mình là Vũ Thị Hoan (sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh. Tuy nhiên, Hoan không có thực quyền, mọi việc đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ.

Từ năm 2009 đến 2012, Hoan lần lượt ký quyết định bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm phó giám đốc rồi giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh.

Năm 2006, Hệ biết QCHQ có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế. Hệ chỉ đạo Hoan ký tờ trình gửi Bộ tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9. Tuy nhiên, nội dung tờ trình lại phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện.

Sau khi đàm phán thành công, Hệ chỉ đạo Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ), thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành. Tiếp đó, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan phối hợp với Công ty Hải Thành và QCHQ cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.

Mặc dù Công ty Yên Khánh không góp 288 tỉ đồng theo đúng hợp đồng đã cam kết, nhưng Hệ và nhân viên đã lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) khu đất trên từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành.

Cuối cùng, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng biên bản họp HĐTV, HĐQT Công ty Yên Khánh Hải Thành (ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn, phó giám đốc Công ty Hải Thành, người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh) đem GCN bảo lãnh thế chấp cho các công ty của Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV. Số tiền vay được từ ngân hàng, Hệ thực hiện vào mục đích riêng, không hề liên quan đến dự án.

Hành vi trên của Hệ và đồng phạm đã chiếm đoạt của QCHQ quyền sử dụng khu đất số 7-9, có giá trị tại thời điểm tháng 2-2010 là hơn 525 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trước tòa, Hệ cho rằng mình không phạm tội.

Hôm nay (19-5), tòa tiếp tục làm việc.

“Nếu sát sao, bị cáo đã phát hiện sai sót

Khi được hỏi thấy có trách nhiệm gì khi để xảy ra các sai phạm trong vụ án, cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến nhận mình đã có khuyết điểm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình thiếu sát sao, quyết liệt.

“Tôi đã ra mệnh lệnh kiểm tra, đã họp Bộ tư lệnh phân công công tác triển khai các nhiệm vụ của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng nhưng không truy đến cùng. Nếu sát sao, quyết liệt hơn nữa cũng có thể phát hiện sai sót…” - bị cáo Hiến cho hay. 

Tin tức 24h qua: Nguyên đô đốc Nguyễn Văn Hiến cùng Út “trọc” hầu tòa

Nguyên đô đốc Nguyễn Văn Hiến cùng Út “trọc” hầu tòa; Thêm 4 ca nhiễm COVID-19 mới… là những tin nóng 24h qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN