Ông Nguyễn Đình Khang: '84% quỹ công đoàn chi cho người lao động'

Sự kiện: Họp Quốc hội

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết quỹ công đoàn được dùng chăm lo cho người lao động lúc ốm đau, quà Tết và tổ chức phong trào tại cơ sở.

Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Công đoàn sửa đổi. Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn được cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án. Thứ nhất là Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Phương án 2 là xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

"Hiện nay kinh phí công đoàn để lại công đoàn cơ sở 75% để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động. 25% còn lại phân phối cho cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và trung ương", ông Khang nói, cho biết phần của cấp trực tiếp trên cơ sở thường quay trở lại chăm lo cho đoàn viên và người lao động bởi một số công đoàn cơ sở còn khó khăn. Vì vậy, người lao động thực chất được hưởng là gần 84%.

Theo ông Khang, mức lương bình quân của người lao động hiện nay khoảng 8,2 triệu đồng/tháng, khoảng 100 triệu một năm. Kinh phí đóng quỹ công đoàn là 2%, tương đương khoảng 2 triệu đồng mỗi năm. Với tỷ lệ 75% chi cho công đoàn cơ sở, người lao động chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng thông qua thăm hỏi ốm đau; quà tết âm lịch; sinh nhật, tổ chức hoạt động phong trào văn hóa.

"Với khoản tích lũy kinh phí công đoàn nộp lên cấp tỉnh và trung ương từ năm 1957 khi Luật Công đoàn đầu tiên ra đời, Tổng liên đoàn đề xuất sử dụng vào xây nhà ở xã hội", ông nói.

Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Nội dung này đã được đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và Chính phủ sẽ có nghị định cụ thể.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Khang đề nghị đại biểu ủng hộ phương án xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75% quỹ công đoàn.

"Tỷ lệ đang thực hiện chúng tôi thấy ổn định và phát huy được tác dụng của quỹ. Qua khảo sát ở các nước thì tỷ lệ phân bổ cũng dao động 73-75% cho công đoàn cơ sở. Như vậy đảm bảo chăm lo cho toàn bộ hệ thống", ông Khang nói.

Đại biểu Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cũng đồng tình với cơ quan soạn thảo về kinh phí công đoàn 2%. Dự thảo kế thừa và giữ nguyên quy định như hiện hành là đầy đủ căn cứ chính trị và thực tiễn. Việc này cũng phù hợp khi hoạt động của công đoàn ngày càng mở rộng với nhiều nhiệm vụ đặc thù. "Phương án phân chia cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo tính khả thi", bà nói.

Tổng liên đoàn "có nhiều khu nghỉ mát ở vị trí đắc địa"

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các hồ sơ kèm theo dự thảo về việc sử dụng kinh phí công đoàn 2% thời gian qua chưa rõ ràng. Đất đai, cơ sở của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại các địa phương "là rất nhiều". Trong đó, "nhiều khu nghỉ mát mùa hè đều là những vị trí đắc địa rất đẹp, bãi biển ở tỉnh nào cũng có". "Việc sử dụng quỹ đất, tài sản công đoàn này cần phải làm rõ hơn", ông Thanh đề nghị.

Về quản lý tài chính công đoàn, ông cho rằng cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào thực tiễn, theo nguyên tắc "cái gì đã chín đã rõ thì quy định trong luật, cái gì chưa rõ thì giao Chính phủ quy định chi tiết" để tránh vướng mắc trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quá trình tham gia thẩm tra dự luật này, các cơ quan đặt ra vấn đề sử dụng quỹ công đoàn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi biến cố lớn như dịch Covid-19 trước đây. "Có thể bây giờ Covid-19 hết rồi nhưng cũng cần đưa vào luật để dự phòng trước", ông Thanh đề xuất.

Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.

Song theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng liên đoàn, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động. Tỷ lệ chi trực tiếp chủ yếu ở cấp công đoàn cơ sở. Nếu ở công đoàn cơ sở là 99% thì ở công đoàn cấp trên cơ sở là 68%; liên đoàn lao động cấp tỉnh thành là 45% và ở Tổng Liên đoàn chỉ trên 8%.

Chiều 27/3, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, một số ý kiến đề nghị lùi thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 8, thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đại biểu cho rằng, sau thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7, sẽ có nhiều vấn đề tác động, thay đổi, nếu lùi thông qua sẽ tránh được tình trạng "vừa thông qua luật lại phải sửa ngay".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN