Ông Nguyễn Bá Thanh: "Bây giờ ăn cái chi cũng sợ"
Ngày 28/4, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Đại biểu Quốc hội, nói rằng, vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối lo của toàn xã hội và việc kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm vẫn chưa tốt.
Ông Thanh nói: "Nói thật, bây giờ ăn cái chi cũng sợ. Công tác kiểm soát của chúng ta làm chưa tốt. Cái này cũng phải từ từ thôi”.
Quá nhiều tướng, tá
Cử tri Hà Ngọc Trúc (phường Thanh Khê Đông) cho rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, dân còn nghèo, thì việc phong tướng, tá tràn lan như thời gian qua khiến dư luận không đồng tình. “Làm gì mà cấp tướng lên tới hàng trăm vị như thế? Còn cấp tá thì nhiều vô kể. Phong tướng, tá như hiện nay là quá loãng, chưa kể khi về hưu còn lên một cấp nữa. Phong như thế lấy tiền đâu mà trả. Tôi đề nghị Quốc hội nên kiểm tra lại cái này", ông Trúc kiến nghị.
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng
Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh mong muốn bà con thông cảm vì đây cũng là vấn đề rất nhạy cảm và đang còn phải bàn nhiều. Ông Thanh nói: “Việc phong hàm cấp tướng, cấp tá rất nhạy cảm vì có nơi thế này, có nơi thế nọ. Việc phong tướng hay không phong tướng đều có quy định”. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc, ông Thanh cũng nhắc đi nhắc lại với các cử tri là ông “không phản đối” ý kiến của các cử tri.
Bây giờ ăn cái chi cũng sợ
Nhiều cử tri Đà Nẵng cũng bức xúc trước việc an toàn thực phẩm hiện nay. Cử tri Phạm Ngọc Đức (quận Ngũ Hành Sơn) kể rằng, gia đình ông có khách nên ra chợ mua 2kg cam. Không biết cam tàu hay cam ta nhưng thấy tươi và đẹp nên mua. Về nhà khách không ăn hết. Ông đem cất cả tháng thì thấy cam vẫn tươi rói. Nhưng bóc ra thì thấy mốc, thối… ăn không được.
Nhiều cử tri cũng chỉ ra rằng, hiện nay, ở các chợ bán tràn làn thực phẩm trộn hóa chất. Một cử tri quận Ngũ Hành Sơn nói: "Ở nước ta có rất nhiều lực lượng thanh kiểm tra nhưng tình trạng sản phẩm độc hại vẫn bày bán tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải xử thật nặng để các doanh nghiệp làm ăn gian dối không còn đất để sống”.
Ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ: “Nói thật, bây giờ ăn cái chi cũng sợ. Như vụ rượu 29 Hà Nội đó, nếu không phát hiện được thì chưa biết hậu quả ghê gớm đến mức nào. Còn nhiều thứ nữa… Nhưng đúng là công tác kiểm soát của chúng ta làm chưa tốt. Cái này cũng phải từ từ thôi”.
Nghe ông Thanh nói vậy, một cử tri khác đặt câu hỏi: “Rứa sao các nước như Mỹ, Nhật Bản, họ kiểm soát được, còn ta thì không? Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời: “Sự so sánh này cũng khá khập khiễng. Nhưng chúng ta cũng đang cố gắng kiểm soát đó thôi. Dần dần cũng sẽ tốt lên. Nhưng thôi, để bảo vệ sức khỏe, mình đi mua cái chi cũng nên cẩn thận, chọn mấy cái có nguồn gốc, xuất xứ và có dấu kiểm duyệt mà mua, chứ đùng có ham của rẻ”.
Người dân phản ánh nhiều vấn đề bức xúc với ông Nguyễn Bá Thanh
Văn hóa xe máy còn tồn tại thì còn phải nộp phí
Ông Hồ Văn Hóa (quận Thanh Khê) tỏ ra rất bức xúc về việc thu phí đường bộ đối với ô tô, xe máy hiện nay. Ông Hóa cho rằng: Quy định của Chính phủ về việc thu phí đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Nhưng không hiểu sao cán bộ phường lại truy thu cả năm cả năm 2013. Như vậy là thu phí trước khi quy định ra đời và có hiệu lực. Theo ông Hóa, Chính phủ nên chỉ đánh phí đường bộ đối với phương tiện là ô tô, vì đây là đối tượng có tiền. Không nên thu phí với những người có xe máy vì đi xe máy nhưng chưa hẳn đã là giàu có. “Với lại, xe máy là cái chân thứ 2 của người dân nên việc sử dụng xe máy để đi lại vẫn phải tiếp tục. Vì vậy, thu phí để hạn chế xe máy cũng chẳng mấy hiệu quả. Xe máy cũng không phải là 'thủ phạm' làm hư hỏng đường sá. Còn việc lý giải thu phí đường bộ để giảm thiểu ùn tắc giao thông như lý giải của ông Đinh La Thăng - Bộ Trưởng Bộ GTVT - là không đúng".
Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, việc thu phí đường bộ là chủ trương chung của Trung ương. Số tiền này được thu từ đầu năm 2013 để đầu tư hạ tầng nên không có chuyện thu trái, thu trước. Rồi ông Thanh hỏi lại cử tri: “Xe máy chạy cũng mòn đường chứ sao không? “Mình đi xe trên đường thì nên góp chút tiền bạc để cùng với Nhà nước bảo dưỡng, sữa chữa. Lúc mô nước mình giàu lên cái đã rồi tính chứ giờ xe máy nhiều như thế, không thu phí không được đâu. Ở nước ngoài, người ta bước xuống xe là đi bộ, người ta đi bộ thoải mái lắm, nhưng ở mình đi chút là nghỉ, thở, phải có cái ghế ngồi. Giao thông nước mình muốn đi thăm người thân phải lòng vòng các con hẻm cả mấy cây số mới đến nơi, nên văn hóa xe máy ở nước ta sẽ còn tồn tại hơi lâu”, ông Thanh nói.