“Ông lùn phố cổ” kể chuyện dạy tiếng Anh miễn phí ở quán nước

Sự kiện: 24h vạn dặm

Khi vốn tiếng Anh kha khá, ông Phú tự tin tham gia Hiệp hội Người lùn thế giới, mở nhiều lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại quán trà đá của mình.

Ông Phú vui vẻ bên quán trà đá mà ông đặt tên là “Đi khắp muôn nơi”

Ông Phú vui vẻ bên quán trà đá mà ông đặt tên là “Đi khắp muôn nơi”

Chỉ cao 1,2m và nặng 36,5kg, ông Đinh Văn Phú (65 tuổi, phố Hàng Cót, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) vẫn gây dựng một hình ảnh về nghị lực hiếm có khi tự học tiếng Anh thông qua những vị khách nước ngoài.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt

Chiều 10/9, tại quán trà đá với cái tên đầy ấn tượng “Đi khắp muôn nơi” ở 24C phố Hàng Cót (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), ông Đinh Văn Phú vừa sắp xếp lại hàng quán, vừa vui vẻ khẽ hát một ca khúc tiếng Anh. Lát sau, ông Joe Jones (66 tuổi), một người bạn Canada, hiện cũng là thày giáo dạy tiếng Anh miễn phí tại quán của ông Phú ghé đến. Đôi bạn trò chuyện sôi nổi, thân tình bằng tiếng Anh.

“Tiếng Anh không chỉ để mưu sinh, kiếm sống tốt hơn mà còn giúp tôi “mở cửa” thế giới, đi khắp muôn nơi, có thêm nhiều người bạn, giúp ích được nhiều bạn khác. Cuộc sống của tôi nhờ đó vui vẻ, có ích hơn nhiều”, ông Phú mở đầu cuộc trò chuyện.

Hàng ngày, ông Phú bán trà đá và sinh hoạt luôn tại “căn nhà” chỉ rộng chừng 3m2, chia hai tầng, tầng dưới làm nơi bán hàng, tầng trên để ngủ. Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, “căn nhà” bé xíu ấy lại chật ních người, cả tầng trên và tầng dưới. “Học sinh của tôi đủ mọi lứa tuổi.

Có người là học sinh, sinh viên, có người đang đi làm. Hôm đông nhất là có 15 bạn, ngồi tràn cả vỉa hè. Tôi trò chuyện, hướng dẫn các bạn củng cố vốn tiếng Anh, nhất là nghe - nói”, ông Phú giới thiệu về lớp học tiếng Anh miễn phí mà mình đã mở hơn chục năm nay.

Hiện, lớp học tiếng Anh của ông Phú có các em: Nguyễn Thuỳ Linh (SN 1986, quê Thái Nguyên); Nguyễn Minh Trang (SN 1992, ở Tây Hồ); Nguyễn Như Quỳnh (SN 1991, ở Đông Anh); Dương Thị Anh (SN 1995, ở Quốc Oai, Hà Nội); Nguyễn Minh Lan (SN 2000, ở Hải Dương, hiện là sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội)… Trong đó, có em đã tốt nghiệp đại học, có bạn đang học THPT, có người đang đi làm… muốn nâng cao trình độ hiểu biết, luyện nói nên đến với lớp học đặc biệt của ông Phú.

“Các em đến đây học hoàn toàn miễn phí, 1-2 tuần mọi người tình nguyện mang trái cây đến cho thày, hoặc sinh nhật ai đó thì các bạn mang đồ đến cùng chung vui. Thi thoảng, tôi cùng các em đi dã ngoại quanh Hà Nội để các em trau dồi thêm kĩ năng nói, giao tiếp tiếng Anh”, ông Phú kể.

Thùy Linh, một học sinh của lớp học “Đi khắp muôn nơi” chia sẻ, cô đã đi làm nhưng muốn học thêm tiếng Anh để tìm cơ hội công việc tốt hơn. Đến với lớp học của “thầy Phú”, cô không chỉ được học ngoại ngữ, mà còn học được nghị lực sống của người đàn ông chỉ cao 1,2m này.

“Mỗi buổi học chừng 2-3 tiếng, chúng tôi coi lớp học như một gia đình. Những việc làm của chú Phú đã lan truyền tinh thần vượt khó đến với chúng tôi, với các bạn trẻ”, Linh nói.

Người đàn ông khuyết tật “đi khắp muôn nơi”

Ông Phú và người bạn Canada Joe Jones, cũng là thầy giáo dạy tiếng Anh miễn phí tại quán trà đá “Đi khắp muôn nơi”

Ông Phú và người bạn Canada Joe Jones, cũng là thầy giáo dạy tiếng Anh miễn phí tại quán trà đá “Đi khắp muôn nơi”

Sinh ra trong một gia đình có mẹ là thương binh nặng, bố từng tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, trong khi các anh chị em trong nhà hoàn toàn bình thường thì ông Phú sinh ra đã khuyết tật, đầu to, người lùn, dáng đi không bình thường. 5 tuổi, ông mới biết nói và 7 tuổi mới biết đi.

Ngày xưa, điều kiện chung của xã hội thiếu thốn nên tôi lớn lên trong thiệt thòi. Nhưng như một cái cây hoang dã lớn lên nhờ cộng đồng, nó sẽ quay lại chở che, giúp đỡ cho những cây non khác. Tôi đang cố gắng giúp đỡ cộng đồng bằng vốn kiến thức ít ỏi của mình. Xa hơn, tôi muốn thành lập hiệp hội người khuyết tật Việt Nam, để dạy và truyền đạt kiến thức cho các bạn trong cộng đồng.

Ông Đinh Văn Phú

Thế nhưng bất chấp ngoại hình khác biệt, ông Phú vẫn miệt mài theo học hết lớp 12. Khi đó, dù học đến năm cuối THPT, ông cũng chỉ cao bằng đứa trẻ lên 6.

Mơ ước trở thành kỹ sư điện tử, ông từng nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội song không đủ điều kiện về sức khỏe. Khép lại giấc mơ học hành trên giảng đường đại học, ông Phú tìm việc làm để mưu sinh, quyết không tạo gánh nặng cho bố mẹ.

Năm 1992, mẹ ông Phú mua cho ông “căn nhà” 3m2 trên phố Hàng Cót để làm nơi sinh nhai. Có nhà, ông Phú mở một quán nước, nơi thi thoảng lại có khách nước ngoài ghé chân.

Những câu tiếng Anh lõm bõm trong cuộc trao đổi với những người khách nước ngoài được ông Phú học dần, cho đến một ngày, ông gặp Junlia - người đàn ông quốc tịch Canada. Thấy ông chủ quán nước lùn tịt nhưng lanh lợi, thông minh, Junlia hỏi: “Ông có thực sự muốn học tiếng Anh?”. Ông Phú gật và Junlia đưa cho ông cây bút chì, vài tờ giấy nháp để bắt đầu giúp ông có một quá trình học tiếng Anh bài bản hơn. Từ đó, họ trở thành bạn tốt của nhau suốt hơn chục năm nay.

Tiếng Anh thông thạo đã giúp “ông lùn phố cổ” bán hàng tốt hơn cho người nước ngoài. Quán nước nhỏ cũng dần trở thành nơi ông Phú hội ngộ với những người bạn khắp thế giới: Junlia từ Canada, Patrick từ Mỹ, Peter từ Anh...

Chính họ đã giúp ông trở thành một hướng dẫn viên du lịch tài ba. Đi cùng các đoàn khách nước ngoài, ông Phú cho biết mình không những được mở rộng thêm khả năng ngoại ngữ mà còn tiếp xúc với văn hóa nhiều quốc gia. Dẫn khách tới các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, ông Phú cũng giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam tới những vị khách năm châu.

Và rồi, những người bạn ngoại quốc lại giúp ông Phú “đi khắp muôn nơi”. Có những người bạn Mỹ đến quán ông uống nước, trò chuyện và năm 2009, họ trở lại Hà Nội làm chương trình truyền thông. Cùng năm đó, Mỹ tổ chức một Hội thảo về người lùn toàn thế giới, ông Phú được mời tới.

Trong 6 tháng đi qua 6 tiểu bang trên đất Mỹ, ông Phú đã chia sẻ về nét văn hóa của Việt Nam đến với thế giới. Đến năm 2017, ông lại tiếp tục được mời sang Mỹ.

“Những chuyến đi trong và ngoài nước giúp tôi có cả bạn gái, cô ấy người Mỹ, tên Anna. Quen nhau qua những câu chuyện chia sẻ trên diễn đàn, chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay. Tôi đã gặp cô ấy ở Mỹ và bây giờ chúng tôi vẫn thường xuyên chuyện trò nhờ internet”, “ông lùn phố cổ” kể.

Kể về kỷ niệm với “nghề dạy học”, ông Phú bảo, có cả những chuyện đáng tiếc nhưng niềm vui thì rất nhiều, nhất là khi học trò có vốn tiếng Anh tốt hơn hay báo tin có được thành công nào đó trong sự nghiệp và cuộc sống. “Hơn chục năm qua, tôi vui vì công việc này đem đến cho tôi nhiều người bạn, nhiều người học trò”, ông Phú trải lòng.

Hành trình 45 ngày đi bộ xuyên Việt và hành động cực đẹp của thanh niên 9X

Chàng trai Bùi Ngọc Quý (23 tuổi, Gia Lai), một con người đầy nghị lực, ý chí, có tấm lòng nhân ái, vừa kết thúc chuyến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN