Ông hoàng vật lý ủng hộ "quyền được chết"

Giáo sư nổi tiếng Stephen Hawking lần đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền được chấm dứt sự sống của những người bất hạnh.

Mới đây, giáo sư Stephen Hawking, người từng cho rằng việc trợ giúp người khác tìm đến cái chết là “một sai lầm lớn” đã bất ngờ thay đổi quan điểm của mình và ủng hộ quyền được giúp những người đang phải chịu đựng bệnh tật hay tai nạn không thể chữa khỏi có được một cái chết êm ái.

Giáo sư Hawking năm nay 71 tuổi và là một nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học người Anh được mệnh danh là "Ông hoàng Vật lý", hiện là Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết thuộc Đại học Cambridge ở Anh. Ông bị chẩn đoán mắc bệnh Lou Gehrig, một chứng bệnh liên quan đến dây thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên từ khi 21 tuổi khiến ông hầu như bị liệt toàn thân, phải ngồi xe lăn và giao tiếp qua một thiết bị hỗ trợ phát giọng nói. Các bác sĩ cho hay ông chỉ còn sống được khoảng 2 đến 3 năm nữa.

Ông hoàng vật lý ủng hộ "quyền được chết" - 1

Giáo sư Stephen Hawking đã phải ngồi trên xe lăn suốt 50 năm

Năm 2006, giáo sư Hawking tuyên bố rằng mặc dù con người nên được quyền chấm dứt cuộc sống của mình nếu họ muốn, nhưng ông “vẫn cho rằng đó là một sai làm lớn”. Ông nói: “Dù cuộc sống có tồi tệ đến mức nào đi chăng nữa, vẫn luôn có những thứ bạn có thể làm được và thành công. Còn sống là vẫn còn hy vong.”

Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, giáo sứ Hawking đã bất ngờ ủng hộ quyết định chấm dứt sự sống của những người cảm thấy rằng cuộc sống của họ không thể chịu đựng được thêm nữa.

Ông nói: “Tôi cho rằng những người bị bệnh hiểm nghèo và đang phải chịu đau đớn tột cùng nên được quyền lựa chọn chấm dứt cuộc sống của mình và những người giúp họ có cái chết êm ái không nên bị truy tố. Chúng ta không muốn để những con vật sắp chết phải chịu đau đớn, cớ sao con người lại phải chịu?”

Ông hoàng vật lý ủng hộ "quyền được chết" - 2

Người biểu tình ủng hộ quyền được chết ở Mỹ

Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ quan ngại rằng phải có những chế tài để đảm bảo rằng không ai bị chấm dứt sự sống trái với ý nguyện của họ. Năm 1985, khi ông ốm thập tử nhất sinh vì chứng viêm phổi, đã có lúc ông phải dựa vào máy hỗ trợ sự sống để tồn tại. Lúc đó các bác sĩ đã để cho người vợ đầu của ông là bà Jane Hawking được quyền tắt máy hỗ trợ sự sống của ông.

Giáo sư Hawking bày tỏ: “Phải có cơ chế đảm bảo rằng người đó thực sự muốn chấm dứt cuộc sống của mình mà không bị ép buộc hoặc bị chấm dứt sự sống mà họ không hề biết hay không hề đồng thuận như trong trường hợp mà tôi suýt trở thành nạn nhân.”

Giáo sư Hawking từ lâu đã được coi là một tấm gương về nghị lực của con người vượt lên số phận và bệnh tật để đạt được những thành công lớn về khoa học và văn học. Trong hơn một thập kỷ qua, chỉ có 5% số bệnh nhân bị chẩn đoán mắc bệnh Lou Gehrig sống sót được.

Mặc dù giáo sư Hawking không thể vận động được và phải giao tiếp chậm chạp qua máy tính, tuy nhiên ông vẫn viết nên cuốn sách A Brief History of Time bán được hơn 10 triệu bản. Ông đã được những người phản đối “quyền được chết” coi như một ví dụ minh chứng cho việc không nên sửa luật để ủng hộ quyền chấm dứt sự sống này.

Tuy nhiên, những phát biểu mới đây của ông lại làm nóng bỏng hơn cuộc tranh luận về vấn đề “quyền được chết” sau khi một số người sắp chết đang phải đấu tranh với hệ thống pháp luật để được chấm dứt sự sống, trong đó có Tony Nicklinson, người đã bị tòa án bác bỏ yêu cầu được chết tại nhà sau khi bị liệt hoàn toàn trong một tai nạn. Sau đó, Nicklinson đã phải nhịn ăn và qua đời sau một tuần lễ.

Ông hoàng vật lý ủng hộ "quyền được chết" - 3

Tony Nicklinson, người đã phải nhịn ăn để được chết

Một cuộc khảo sát do Viện Thái độ Xã hội Anh tiến hành năm 2007 cho thấy đa số những người cả bị bệnh hiểm nghèo lẫn không bị bệnh đều ủng hộ phương án sửa luật để hợp pháp hóa “quyền được chết”.

Bà Sarah Wootton, giám đốc điều hành tổ chức Giá trị của Cái chết nói: “Tuyên bố của giáo sư Stephen Hawking càng củng cố luận điểm rằng không có cớ gì để phản đối điều luật cho phép những người đang chết mòn được lựa chọn cách thức và thời điểm họ qua đời, miễn là có những biện pháp đảm bảo phù hợp và chặt chẽ.”

Bà Wootton cũng chỉ trích hệ thống pháp luật ở Anh hiện nay đang “nhắm mắt làm ngơ trước yêu cầu khẩn thiết của những người muốn giúp người thân yêu của họ có một cái chết êm ái.” Bà nhận định: “Việc thay đổi luật này sẽ không làm nhiều người chết hơn, mà sẽ giúp ít người phải chịu đựng hơn.”

Tính đến nay, trên toàn thế giới mới có 4 quốc gia thừa nhận “quyền được chết” và chấp nhận cho phép trợ giúp người khác chấm dứt sự sống là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ và một số bang ở Mỹ (Oregon, Washington, Vermont và Montana).

Các hình thức trợ giúp để người bệnh có “cái chết êm ái” được thực hiện chủ yếu bằng 3 hình thức: Bác sĩ trực tiếp tiêm thuốc để người bệnh chết nhẹ nhàng, bác sĩ ngưng các biện pháp điều trị để người bệnh chết dần, hoặc bác sĩ hướng dẫn người bệnh cách thức tự chấm dứt cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN