Ông già "gàn dở" nhặt mũ hỏng, làm xe ôm miễn phí cho người nghèo
Dù sắp bước vào tuổi 80, ông Nguyễn Hữu Địch (Hà Đông, Hà Nội) vẫn miệt mài làm xe ôm miễn phí cho người nghèo. Không chỉ vậy, ông thường đi nhặt mũ bảo hiểm cũ nát người ta vứt đi rồi hì hục sửa chữa mang cho người nghèo sử dụng.
Ông già "gàn dở" chuyên nhặt mũ bảo hiểm cũ...
Ông Nguyễn Hữu Địch (76 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người thấy lạ, thậm chí họ cho rằng ông là kẻ gàn dở khi đi nhặt nhạnh những chiếc mũ bảo hiểm cũ về làm chật nhà chật cửa. Rồi ông thường chở miễn phí cho nhiều người đến bệnh viện mà không hề lấy một đồng tiền nào. Nhiều người cảm thấy ông Địch "khác người", nhưng mấy ai biết được câu chuyện của ông phía sau những chuyến xe ôm miễn phí và chiếc mũ bảo hiểm cũ ấy.
Cả xóm, cả phường hay gọi ông Địch là lão già "gàn dở". Trước đây, người ta thấy cụ lạ lùng, lạ đến nỗi cứ rảnh rỗi là ông lại đi nhặt những chiếc mũ bảo hiểm cũ về để chật nhà chật cửa. Cứ sáng sớm, sau khi tập thể dục xong, ông Địch lại dành thời gian đi nhặt mũ bảo hiểm. Hễ thấy mũ người ta vứt đi mà còn dùng được là ông xách về nhà. Nhìn cả đống mũ chất trên tầng 2 nhà ông, ai cũng nghĩ rằng có lẽ ông Địch làm việc này từ rất lâu rồi.
Ông Nguyễn Hữu Địch với "gia tài" cả trăm chiếc mũ bảo hiểm được ông nhặt nhạnh, tích cóp sau nhiều năm.
Ông chia sẻ: “Nhiều người họ rơi mũ nhưng không nhặt, có người họ chê mũ cũ và họ vứt đi. Tôi thấy tiếc rẻ, tôi nhặt về lau chùi, cái nào cần sửa sang lại thì sửa rồi gom góp mang về quê tặng cho học sinh nghèo. Các cháu đi học, rồi chăn trâu, kiếm củi, đội mũ bảo hiểm vào cũng an toàn hơn”.
Ngoài "sưu tập" những chiếc mũ bảo hiểm cũ, ông Địch còn có sở thích nhặt cầu lông và bóng tennis cho mấy đứa nhỏ trong xóm. "Mấy thứ đồ bỏ đi này chẳng đáng giá là bao nhưng quan trọng là cái tình cái nghĩa", ông Địch cho biết thêm.
Những quả cầu lông, bóng tennis cũ cũng được "gia nhập" vào bộ "sưu tập" đồ cũ của ông Địch
Nhiều người khi đi ngang qua gốc cây xà cừ cổ thụ nơi ông Địch thường ngồi đợi khách không biết chuyện về ông vẫn thường hay thắc mắc vì sao gốc cây lại treo đầy những chiếc mũ hỏng hóc. Vẫn là những chiếc mũ cũ, cái thì vỡ vỏ, cái hỏng quai, cái bị nứt... mỗi chiếc hỏng 1 kiểu nhưng vẫn được ông Địch nhặt nhạnh mang về. Khi hỏi thì ông Địch cười xòa cho biết: "Treo như thế để cảnh báo cho mọi người biết đây là những chiếc mũ hỏng, không đảm bảo chất lượng mỗi khi sử dụng".
Gốc cây xà cừ già được ông Địch treo lủng lẳng các loại mũ bảo hiểm đã bị hỏng.
Thấy ông làm vậy, nhiều người cho rằng ông là người "gàn dở" nhưng ít ai nghĩ rằng chính ông lại là người biết quý trọng giá trị của đồ vật. Ông nhặt mũ hỏng rồi sửa lại vì nghĩ tới những đứa trẻ nơi miền quê nghèo.
Ít người biết ông Địch mang gốc gác người Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhưng gia đình ông đã 4 đời gắn bó với Hà Nội. Mỗt năm ông thường về quê 1, 2 lần vào dịp lễ, Tết, nhờ đó ông biết ở quê còn rất nhiều gia đình nghèo, nhất là bọn trẻ nhỏ, cuộc sống khó khăn nên chịu nhiều thiệt thòi và cũng từ đó, mỗi lần về quê ông đều tranh thủ mang quà về cho lũ nhỏ.
Những lúc bận bịu không về quê được thì ông gửi xe khách chở từng thùng mũ bảo hiểm về quê rồi nhờ người thân ở Hà Tĩnh nhận hộ mang đi phân phát. Số mũ khoảng hơn 200 chiếc là tích góp sau nhiều năm ông đi nhặt nhạnh về rồi hì hục sửa chữa. Ông cho biết dự định của ông là sẽ đợi con trai ở Sài Gòn có dịp về quê, dùng ô tô chở theo số mũ này về tặng cho các cháu nơi miền quê nghèo xã ở Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
... và những chuyến xe ôm miễn phí cho người nghèo
Với dáng ngồi khoan thai kèm nụ cười tươi rói luôn thường trực trên khuôn mặt đôn hậu của ông Địch, dù trời nắng hay trời mưa, hằng ngày ông vẫn ngồi dưới gốc xà cừ treo đầy mũ hỏng chờ khách đi xe ôm, người nào không biết tưởng ông đi xe ôm bình thường nhưng thực chất ông thường chở xe miễn phí cho người bệnh, người nghèo.
Ông Địch vẫn ngày ngày đứng bên hiên nhà sẵn sàng với những chuyến xe miễn phí cho người nghèo.
Chiếc xe máy từng gắn bó với ông trước khi ông nghỉ hưu, giờ lại đồng hành cùng ông chở hàng, lái xe ôm làm việc thiện, giúp đỡ mọi người. Khách lên xe của ông không phải mặc cả, ai thích trả bao nhiêu thì trả. Riêng những người nghèo, những bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, cụ Địch chở miễn phí. Nói về mình, cụ Địch chia sẻ: “Tôi làm đâu phải vì tiền, khách lên xe tôi không cần mặc cả, tôi sẵn sàng chở miễn phí cho những người khó khăn. Khách bình thường tôi cũng lấy tiền nhưng không đáng là bao, khoản tiền đó dành để làm việc thiện".
Nhà cụ Địch không nghèo đến nỗi phải đi chạy xe ôm. Ông Địch kể, hai vợ chồng ông có lương hưu, lại có nhà cho thuê cửa hàng. Nhưng ông bà lại chọn cho mình một cuộc sống có ích, chính điều đó lại tạo nên những gam màu ý nghĩa trong cuộc sống của họ - một cuộc sống bình dị nhưng chưa bao giờ tẻ nhạt, buồn chán. Nhiều người khi nhìn thấy ông đi làm không công, thường gọi ông là người "vác tù và" cho thiên hạ, có không ít người dèm pha, tuy nhiên ông Địch vẫn cười xòa bỏ qua để tiếp tục công việc yêu thích của mình.
Đi nhặt nhạnh mũ bảo hiểm là công việc quen thuộc của ông Địch sau mỗi buổi sáng.
"Nói gì thì đó quyền của người ta, còn mình làm theo tâm của mình. 2 vợ chồng tôi không thiếu tiền nhưng ở cái tuổi này, tôi muốn chọn một cuộc sống có ích, sống để được lao động, để giúp đỡ mọi người. Tôi muốn góp chút công sức của mình cho những người còn khó khăn hơn, để giúp họ thêm nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống", ông Địch cười chia sẻ.
Dù mọi người cho là "gàn dở" nhưng với ông đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi già khi được làm những việc có ích như vậy.
Nhìn những vết xăm trổ chằng chịt trên cơ thể, ít ai ngờ Trần Quốc Công từng nhiều năm tham gia các hoạt động thiện...